Chị Khanh (30 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.
Sau 3 tuần nằm viện, chị đã bắt đầu chập chững tập đi trở lại, nhưng vẫn chưa thể ngồi dậy hay xoay người được. Mọi sinh hoạt hằng ngày của chị đều do chồng chăm sóc.
Chị Thanh hiện vẫn đang thải độc chì kết hợp tập phục hồi chức năng |
Chị cho biết, tháng 9 năm ngoái thấy đau 2 khớp, được người quen giới thiệu uống thuốc nam của bà lang gần nhà với chẩn trị phong hàn, gồm cả thuốc bột, viên và thuốc sắc.
Sau 2 tháng uống đều đặn, chị Khanh thấy tay chân yếu dần, người xanh xao, sụt cân nhanh. Đến tháng thứ 3 thì tứ chi gần như liệt hẳn, từ cân nặng hơn 40kg, chị gầy sút chỉ còn 32 kg.
Lúc này gia đình mới hốt hoảng đưa chị lên BV Bạch Mai khám, chuyển từ khoa Huyết học sang Thần kinh rồi đến Trung tâm Chống độc.
Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị ngộ độc chì rất nặng, hàm lượng chì trong máu lên đến 188,79 mcg/100 ml. Khi xét nghiệm viên thuốc mang theo, có tới 3% là chì.
BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, đây là trường hợp nhiễm độc chì nặng nhất BS từng gặp.
Chị Khanh khi nhập viện đã bị liệt dây thần kinh rất nặng do nhiễm chì, thiếu máu, không thể nghiêng mình, tay chân bị teo, không thể cử động.
Liệu trình thải độc chì của bệnh nhân dự kiến sẽ còn kéo dài, kết hợp với tập phục hồi chức năng. Tuy nhiên, tổn thương dây thần kinh khó hồi phục như ban đầu.
Theo BS Nguyên, chì là chất cực độc, khó thải loại nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính.
Khi vào cơ thể, chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… gây các triệu chứng thiếu máu, suy nhược cơ bắp, liệt chi, liệt thần kinh mắt, suy thận.
Khi tích lũy trong xương, việc thải độc rất chậm, có khi mất hằng năm, chục năm, thậm chí là cả đời, chia thành nhiều đợt.
Do đó người dân không tự ý uống thuốc không rõ nguồn gốc. Nếu có những biểu hiện bất thường như sụt cân, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, liệt cơ, giảm trí nhớ, co giật.... nên đi khám để điều trị kịp thời.