Bệnh nhân Đ.T.N (39 tuổi, ngụ Châu Thành A, Hậu Giang) đặt vòng tránh thai khoảng 10 năm tại “mụ vườn”. Cách đây khoảng 4 năm, bệnh nhân đến y tế địa phương để lấy vòng ra và được thông báo không thấy vòng tránh thai. Nghĩ là vòng đã bị tụt ra ngoài nên bệnh nhân không để ý gì thêm. Gần đây, bệnh nhân hay đau âm ỉ hạ vị kèm tiểu gắt, tiểu ngưng giữa dòng nên đến khám và nhập viện lúc 8 giờ 45 phút ngày 25/5.
Hình ảnh chụp X-quang |
Nội soi bàng quang lấy 2 viên sỏi kích thước 1.2 cm và 1.8 cm, đồng thời phát hiện có dị vật xuyên thành bàng quang tạo thành một khối đường kính khoảng 5mm, nhưng do dị vật bám chắc vào thành nên không thể lấy qua nội soi. Sau đó, các bác sĩ tiến hành chụp cắt lớp vi tính thì thấy dụng cụ tránh thai lạc chỗ vùng ngoài tử cung cạnh thành trên, xuyên thành bàng quang, kích thước 3 cm.
Các bác sĩ đang phẫu thuật |
Các bác sĩ hội chẩn quyết định phẫu thuật. Vòng tránh thai dài khảng 4cm được bao chặt bởi các cơ xung quanh, đây cũng là lý do vòng tránh thai không được phát hiện qua siêu âm vì bị bao bọc bởi các tổ chức cơ bàng quang. Sáng 4/6, bệnh nhân ổn định, không sốt, vết mổ khô.
Bs.CK2. Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu, cho biết, đặt vòng tránh thai là biện pháp tránh thai được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn vì có nhiều ưu điểm như: khả năng tránh thai lên đến 99%, dễ sử dụng, có hiệu quả lập tức và lâu dài, ít tác dụng phụ, chi phí khá rẻ… Tuy nhiên, với trường hợp lạc vòng tránh thai trong ổ bụng, nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây ra những hậu quả xấu như: gây thủng ruột, thủng bàng quang… dẫn đến viêm phúc mạc, dễ nhiễm trùng huyết, có thể nguy hiểm cho sức khỏe.