Tỏ vẻ mệt mỏi sau chừng ấy năm đằng đẵng đeo đuổi vụ việc, nhưng ông Chiến không có ý định bỏ cuộc vì: “Tôi vẫn còn tin vào công lý”.
13 năm khiếu kiện
Năm 2003, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến và vợ là Vũ Thị Nhánh (đều là thương binh, ngụ ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phải nhường toàn bộ diện tích nhà và đất (gần 900m2) của gia đình cho dự án Đường dây tải điện 500KV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm đi qua địa bàn huyện Bình Chánh.
Tháng 5/2003, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh (BTGPMB) ra quyết định bồi thường, hỗ trợ… đối với hộ ông Chiến, với tổng mức bồi thường, hỗ trợ gần 747 triệu đồng. Tuy nhiên, tháng 11 cùng năm, lấy lý do đất mua bán không hợp lệ, Ban BTGPMB lại điều chỉnh số tiền xuống còn chưa đến 213 triệu đồng.
“Như vậy, giá đền bù, hỗ trợ đã bị sụt hơn 530 triệu đồng. So với giá vàng lúc bấy giờ thì gia đình tôi mất gần 200 lượng vàng”, ông Chiến cho hay.
Khiếu nại nhiều lần không được giải quyết, ông Chiến đâm đơn ra Tòa. Qua hai cấp xét xử, ngày 13/5/2013, Tòa án nhân dân (TAND) TP. HCM có bản án Phúc thẩm số 661 chấp nhận đơn của ông Chiến, hủy các quyết định của UBND huyện Bình Chánh và buộc UBND huyện này “bồi thường toàn bộ diện tích đất của ông Chiến”.
Phân tích về việc tính giá bồi thường, bản án số 661 cũng viện dẫn Điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo đó, “Bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do UBND cấp tỉnh công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường”.
Từ dẫn chiếu này, TAND TP.HCM nhấn mạnh: “Vì vậy, lưu ý UBND huyện Bình Chánh khi ban hành quyết định bồi thường mới cho hộ ông Nguyễn Văn Chiến cần tuân thủ quy định trên”.
Nhưng gia đình ông Chiến phải chờ đợi hơn hai năm sau, bản án phúc thẩm mới bắt đầu được thực thi bằng Quyết định số 5139 (ngày 18/6/2015) của UBND huyện Bình Chánh. Điều đáng nói, quyết định này vẫn áp giá bồi thường cho hộ ông Chiến theo đơn giá tại thời điểm thu hồi đất, chứ không phải tại thời điểm trả tiền bồi thường, do vậy tổng số tiền trả cho hộ ông Chiến cũng chỉ hơn 870 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 16/7/2015, cơ quan này ban hành quyết định về hỗ trợ lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cho gia đình ông Chiến từ năm 2002 đến năm 2015 là trên 1,2 tỷ đồng.
Như vậy, thay vì trả tiền đền bù, hỗ trợ theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường, UBND huyện Bình Chánh vẫn làm theo cách cũ (trả tiền tại thời điểm thu hồi) và chỉ tính thêm phần lãi suất cho gia đình ông.
Cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm
Ông Chiến lại làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị UBND huyện Bình Chánh thực hiện đúng bản án phúc thẩm. Đã có không ít công văn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, UBND TP. HCM… chuyển đơn của ông Chiến đến UBND huyện Bình Chánh, đề nghị cơ quan này khẩn trương giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật.
UBND huyện Bình Chánh đã vài lần tổ chức đối thoại với ông Chiến, nhưng kết quả cũng chỉ là “ghi nhận ý kiến của ông Chiến” hoặc “đề nghị ông Chiến liên hệ trực tiếp với Ban Quản lý Nhiệt điện 3 để yêu cầu chi tiền”.
Theo hướng dẫn này, ông Chiến đã tìm đến Ban Quản lý Nhiệt điện 3, nhưng đại diện đơn vị này lại “phản pháo”: bên nào có lỗi dẫn đến việc chậm bồi thường và bồi thường sai thì bên đó có trách nhiệm chi trả; đồng thời khẳng định những sai sót mà bản án phúc thẩm đã nêu không phải do lỗi của Ban Quản lý Nhiệt điện 3, nên cơ quan này không có trách nhiệm.
Theo ông Chiến, vào tháng 9 vừa qua, Thanh tra TP. HCM đã gọi ông lên giải quyết vụ việc, nhưng cuối buổi họp hôm đó, ông lại nhận được một hướng dẫn mới: cơ quan này đề nghị ông liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM để được giải quyết.
“Với cách giải quyết này, họ đã đẩy gia đình tôi vào cái vòng luẩn quẩn, chạy ngược chạy xuôi trước sự đùn đẩy trách nhiệm giữa UBND huyện Bình Chánh, Ban BTGPMB huyện và Ban Quản lý Nhiệt điện 3…Tôi chẳng khác gì kẻ đi ăn xin, còn họ thì có quyền ban phát. Đã hơn 13 năm, không biết đến bao giờ quyền lợi hợp pháp của gia đình tôi mới được chính quyền huyện Bình Chánh giải quyết theo đúng quyết định của bản án phúc thẩm”, ông Chiến than.
Đau lòng hơn, cũng chỉ vì cách giải quyết tắc trách của các cơ quan chức năng, gia đình ông từ chỗ hạnh phúc sum vầy đến chỗ ly tán mỗi người một nơi. Nhớ lại bi kịch của gia đình, ông Chiến không kìm được xúc động:
“Chỉ vì vợ tôi có đơn khiếu nại việc chi trả tiền đền bù sai pháp luật mà năm 2004, bà ấy bị Huyện ủy và các cơ quan có thẩm quyền huyện Bình Chánh kỷ luật đảng viên. Việc kỷ luật trên là nguyên nhân chính khiến vợ tôi quá đau khổ tuyệt vọng.
Kêu trời không thấu, vợ tôi đã bỏ nhà lên chùa cắt tóc đi tu. Hai con gái của chúng tôi rất chăm ngoan, học giỏi, đã phấn đấu được kết nạp Đảng tại trường Y, nhưng rồi chứng kiến cảnh đau lòng đó, hai cháu cũng lên chùa nương nhờ cửa phật.
Nhà tan cửa nát, chỉ còn lại hai bố con tôi. Do thương tật tái phát, tôi đau ốm triền miên, cộng với kinh tế kiệt quệ nên con trai út của tôi hiện đang học lớp 12 cũng có nguy cơ phải nghỉ học”.
Ông Chiến tỏ vẻ mệt mỏi sau chừng ấy năm đằng đẵng đeo đuổi vụ việc, nhưng ông không có ý định bỏ cuộc vì: “Tôi vẫn còn tin vào công lý”./.