Cắn răng trả tiền và rút ra bài học cay đắng, cách phản ứng duy nhất là thông báo cho nhau biết mà tránh xa các ga-ra thiếu lương tâm nghề nghiệp đó.
Sự “lưu manh nghề nghiệp” ấy đã có từ lâu và tồn tại dai dẳng. Bắt đầu từ những cái kim trong chậu nước thử xăm xe đạp, rồi gắn dùi nhọn vào mũi giày chọc thủng lốp xe máy trên các chuyến phà, tiến tới rải đinh và cài bàn chông trên đường, mức độ gây hại ngày càng tăng theo cấp độ sử dụng phương tiện, trước là xe đạp, xe máy và giờ là ô tô. Nếu bọn rải đinh ăn chia với kẻ vá xem thì nay cũng không loại trừ việc thông đồng giữa xe cứu hộ và ga-ra sửa chữa ô tô.
Không chỉ có lừa lọc trong sửa chữa, thay thế phụ tùng xe máy, ô tô mà cả ở lĩnh vực sửa chữa và bảo dưỡng các vật dụng điện tử, máy móc khác như điều hòa, bình nước nóng, điện thoại,... cũng xảy ra việc chặt chém tương tự. Lợi dụng việc không am hiểu của chủ nhân mà những kẻ vô lương tâm nghề nghiệp lòe bịp để kiếm tiền.
Ở một lĩnh vực khác, cũng là lọc lừa đấy nhưng tinh vi và có vẻ “hợp pháp” hơn. Đó là các hợp đồng bảo hiểm soạn thảo từ trước, lời lẽ không rõ ràng, sử dụng thuật ngữ khó hiểu, cam kết mập mờ, thậm chí “cài bẫy” khách hàng, đến khi xảy ra sự cố thì thoái thác trách nhiệm bồi thường. Trường hợp này cũng gặp ở các hợp đồng in sẵn trong các lĩnh vực tín dụng, y tế, ngân hàng, bất động sản... Thường là câu chốt của các hợp đồng loại này là “tôi đã đọc kỹ các điều khoản, đồng ý với các cam kết...” để chặn đứng những khiếu nại có thể xảy ra, đẩy khách hàng vào thế thua thiệt.
Các Biên bản hòa giải theo mẫu cũng cố tình gài những tình tiết mà người ta dễ bỏ qua nhưng khi cần khiếu nại tiếp thì hết đường, đại loại như “tôi thấy rằng việc xử phạt này là đúng pháp luật, không có ý kiến gì thêm,...”. Cái kiểu đó cho thấy một cách ứng xử không đàng hoàng, thiếu minh bạch.
Những hành vi dân sự kể trên, sửa chữa xe máy, ô tô hay hợp đồng giao dịch đều coi trọng sự thỏa thuận. Để đi đến thỏa thuận thì cần có một quá trình bàn thảo, nhất trí giữa đôi bên mà lại cứ in sẵn rõ rằng là một sự áp đặt chứ không phải thỏa thuận nữa. Nếu phát sinh mâu thuẫn, ví dụ như cứ “đè” xe ra bổ máy, thay thế lung tung mà không được sự đồng ý cũng như giám sát của chủ nhân thì phải coi đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản và xử lý nghiêm minh thì may ra mới cứu vãn được lương tâm nghề nghiệp. Các trường hợp khác tương tự cũng nên xử lý như vậy!.