Trong chuyến tham quan địa đạo Củ Chi, di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 13/8 vừa qua, có một nhóm các cô gái trẻ hướng dẫn một khách ngoại quốc theo đoàn tham quan. Các cô gái rất xinh đẹp, ăn mặc hợp thời, tuổi ngoài hai mươi. Thế nhưng, trong suốt chuyến đi, những câu hỏi hay nhận xét các cô đưa ra khiến nhiều người trong đoàn phải kinh ngạc.
Khi hướng dẫn viên (HDV) kể câu chuyện người dân trong vùng giải phóng ban ngày vẫn đi làm, nhưng ban đêm thức vót chông, ba cô gái hỏi HDV: “Tại sao phải vót chông?” Anh HDV ngạc nhiên trả lời: “Người dân vót chông để phục vụ cách mạng”. Các cô gái lại hỏi: “Vót chông sao lại có thể phục vụ cách mạng được? Chông để làm gì?”. Anh HDV vẫn tiếp tục giải thích và câu kết luận của các cô gái đưa ra là: “Thôi chẳng hiểu gì cả, bỏ qua (!)”. Điều đáng nói là các cô gái nói trên đi cùng một khách nước ngoài, với kiến thức như thế, chẳng hiểu họ sẽ phiên dịch, giải thích về địa đạo với vị khách nước ngoài ra sao.
Cũng trong chuyến đi ấy, một thanh niên khác, đưa ra thắc mắc: “Tại sao trong vùng giải phóng mà bà con có thể thoải mái đi lại được(!). Tại sao địa đạo sờ sờ ra đấy mà giặc không đến tiêu diệt? Bà con sinh hoạt, rèn vũ khí có bị Mỹ đến hoạnh họe không”. Anh HDV đành trả lời: “Đây là vùng giải phóng, Mỹ có thể đặt chân đến, nhưng mà sau… giải phóng”.
HVD địa đạo kể, trong quá trình các anh hướng dẫn khách tham quan còn gặp rất nhiều câu hỏi “ngơ ngác” về lịch sử của du khách. Thậm chí, có những du khách không thể phân biệt kháng chiến chống Mỹ và kháng chiến chống Pháp. Không ít du khách thực ra không hề có hiểu biết căn bản về địa đạo Củ Chi đất thép thành đồng, mà chỉ là tò mò, nghe bạn bè rủ có hầm thì đến để… chui hầm, hoặc chơi các trò dã ngoại mà thôi. Số này rơi vào các du khách tuổi trẻ, không ít em là sinh viên, học sinh. Đáng nói là tuy các em bị hổng kiến thức lịch sử, nhưng khi được tham quan, nghe giải thích thì tỏ ra rất hứng thú. Có em còn nói, giá mà học lịch sử toàn qua mô hình với tham quan như vậy thì chắc nhớ hết (!).
Những câu hỏi “cười ra nước mắt” của các bạn trẻ tại các di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh còn rất nhiều. Và câu hỏi “học lịch sử để làm gì”, mỗi lần như vậy, lại văng vẳng như một lời nhắc nhở: Lịch sử không chỉ là quá khứ, lịch sử đã trở thành máu thịt của cuộc sống chúng ta hôm nay, mà mỗi người đều phải biết, phải ghi nhớ.
Làm thế nào để người trẻ không còn ngu ngơ với lịch sử, yêu thích, học lịch sử, đó là một câu chuyện dài và gian nan, mà nếu chưa tìm ra được cách dạy lịch sử hiệu quả thì chúng ta vẫn còn có mang món nợ lớn với tiền nhân.