Người mẹ nghèo quyết định hiến tạng con…
Hai bàn tay nắm chặt lấy nhau không rời, người mẹ Cấn Thị Ngần (58 tuổi) vẫn xúc động khi xoa đầu, sờ má, nghe nhịp tim của Tiến. Có lẽ với bà, mọi sự vẫn như một giấc mộng. Bà nghẹn ngào kể lại, cái ngày định mệnh đối với cuộc đời bà, ngày 27/7/2016, khi đang làm giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội, bà chợt nghe tin con trai út bị tai nạn, đang được cấp cứu tại Viện 103.
Bà vứt bỏ tất cả, bắt xe vào viện với con thì nghe được tin xét đánh ngang tai “con trai bà đã chết não, không thể sống được nữa”. Bà rụng rời chân tay, đứng chết lặng như hóa đá trong phòng làm việc của các bác sĩ. Các bác sĩ đều chia buồn và hiểu tình cảnh của bà Ngần lúc ấy nhưng những ca bệnh đang cần hiến nội tạng vẫn đang đợi chờ từng phút, từng giây ở Viện 103 khiến họ không thể chần chừ…
Bà Ngần kể lại: “Sau phút chia buồn, các bác sĩ khuyên tôi nên hiến tạng con mình để sự sống của con được nối tiếp. Tôi gần như đã chết sau khi nghe tin con mình không thể sống được nhưng tôi cũng xem qua ti vi, biết được về câu chuyện hiến tạng nên sau nửa ngày suy nghĩ, tôi quyết định đặt bút ký vào giấy quyết định hiến tạng con mình. Kể từ giây phút ấy, tôi cũng như chết theo con”.
Người mẹ nghèo ở vùng quê Quốc Oai ấy đã làm một điều thật phi thường, vĩ đại mà ít người dám làm. Bà bảo, dân làng cũng đàm tiếu bà nhiều lắm, nào là bán nội tạng con, nào là không thương con, nào là nỡ dứt từng bộ phận trong cơ thể con ra, thậm chí có người ác độc còn hỏi bà: “Con bà có về đòi bộ phận nào trên người nó không”…
Bà nuốt nước mắt vào trong, im lặng trước thái độ không ủng hộ của tất cả mọi người… cho đến ngày những người nhận được một phận cơ thể con bà đến tận nhà bà, để thắp hương cho đứa con trai vắn số của bà và cảm ơn bà, người đã can đảm hiến nội tạng con mình để kéo dài sự sống cho 6 con người xa lạ khác nhau.
Bà tâm sự, bà hiến nội tạng con mình không phải để mong người trả ơn, bà chỉ mong muốn họ sống mạnh khỏe để cái chết của con trai bà không hoài phí. Nhưng những quy định của Luật Hiến tạng khiến bà cũng không thể một lần được nhìn thấy sự sống nối tiếp của con trai mình…
Tuy nhiên, như một tình cảm tự nhiên, vượt lên mọi định kiến khắt khe của Luật Hiến tạng, những người may mắn nhận được một phần cơ thể con bà Ngần vẫn tìm được đến nhà bà, bày tỏ tình cảm và nói lời biết ơn đối với bà. Bà đón nhận những người khách xa lạ ấy với một tâm trạng hồi hộp, mong ngóng nhưng chỉ sau vài giây phút bỡ ngỡ, thoáng chốc, họ đều như những người thân của bà.
Sự sống hồi sinh với chàng cảnh sát biển…
Trong số ấy, bà dành nhiều tình cảm nhất cho Nguyễn Nam Tiến, chàng chiến sĩ cảnh sát biển công tác tại Hải đội 202, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2, người được nhận trái tim của con trai bà. Tiến sinh năm 1980, là một chàng trai khỏe mạnh, liên tục hoàn thành tốt công tác bảo vệ vùng biển quê hương, đặc biệt trong chiến dịch chống hạ đặt giàn khoan 981 vào năm 2014.
Nhưng sau này, khi phát hiện những triệu chứng khó thở, ho nhiều, đuối sức khi đi lên đi xuống 3 tầng trên con tàu mà anh vẫn công tác hàng ngày thì anh mới đi khám bệnh. Kết luận của các bác sĩ khiến anh ngỡ ngàng: suy tim, cơ tim rạn và xốp khiến tim của anh to gấp rưỡi. Chỉ có một cách duy nhất có thể kéo dài sự sống, đó là ghép tim…
Anh biết điều ấy nhưng giấu gia đình, vợ con. Gia đình anh cũng được biết điều ấy nhưng lại lo anh suy nghĩ, cũng giấu biệt. Họ âm thầm chăm sóc anh và mong ngóng cơ hội tìm được trái tim phù hợp… Cho đến ngày 27/7/2016, sự sống của anh được hồi sinh khi các bác sĩ cho biết đã có người hiến tim phù hợp.
Đó dường như vẫn là một giấc mơ của Tiến, chàng chiến sĩ cảnh sát biển rắn rỏi kiên cường ngoài biển nhưng lại vô cùng bé nhỏ, ngoan ngoãn trong vòng tay yêu thương của người mẹ nghèo ở huyện Quốc Oai, Hà Nội. Sự sống của Tiến đã được tiếp tục sau ca ghép tim thành công.
Trong thâm tâm anh mong muốn được gặp người mẹ ấy, để nói lời biết ơn chân thành. Và bằng nhiều cách liên lạc khác nhau, anh đã tìm được số điện thoại của người mẹ. Giây phút tần ngần bên chiếc điện thoại để gọi, xưng danh rồi im lặng giữa 2 người đã khiến họ xích lại gần nhau, thật gần…
Bà Ngần xúc động kể lại: Khoảng 7h tối, ngày 13 tháng Chạp, bà đang ở nhà thì nhận được điện thoại xưng danh “con là Tiến, là người được nhận trái tim của con trai cô” thì tim bà như ngừng đập, bà chỉ muốn được ngay lập tức đến bên cạnh Tiến, ôm lấy Tiến và nghe nhịp tim của con trai mình đập trong cơ thể Tiến. Nhưng bà cũng hiểu, với những người bình thường, cơn xúc động có thể gây tác hại khôn lường, huống chi đây là một người được ghép tim.
Bà nén nỗi lòng mình lại vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của Tiến. Cả đêm hôm ấy bà thao thức không ngủ được vì nghĩ đến cuộc điện thoại của Tiến. Từ đấy, ngày nào Tiến cũng gọi điện cho bà, và họ ngay lập tức chuyển sang xưng hô “mẹ con” tự nhiên như thể Tiến chính là đứa con trai út ít của bà hồi sinh. Bà Ngần tâm sự: “Từ ngày gặp Tiến nỗi buồn mất con của tôi nguôi ngoai nhiều lắm. Tôi chỉ muốn được ở bên con hàng ngày, được sưởi ấm trái tim cho con”.
Và cũng kể từ ngày ấy, mỗi đợt ra Hà Nội khám bệnh của Tiến luôn có bà Ngần kề bên, lo lắng. Bà bảo, nghe tin 27 Tết con phải ra Hà Nội điều trị vì sốt cao, bà lo lắng khôn cùng. Ngày nào bà cũng phải ra ở với con, nắm đôi bàn tay con, âu yếm, xoa đầu con mới yên tâm. Ngày 30 và mùng 1 Tết vì vướng công việc gia đình không thể ra bệnh viện với con, tâm bà như lửa đốt, lúc nào cũng nghĩ đến con. Nên sang ngày mùng 2 Tết, dù một gia đình được nhận tạng của con trai bà hẹn đến chúc Tết, bà từ chối ngay để quày quả, chuẩn bị gà, bánh mang đến bệnh viện cho Tiến. Với bà Ngần, việc Tiến ngày càng khỏe mạnh khiến bà thấy sự sống của người con trai yểu mệnh của mình đang được nối dài…
Đó là lý do ngày nào bà cũng ở trong viện với Tiến, động viên Tiến chuyển công tác ra Hà Nội, đưa vợ con ra ngoài này, bà sẽ chăm sóc vợ con Tiến để anh yên tâm công tác. Tiến cho biết, anh cũng mong muốn điều ấy, vì ra Hà Nội cũng thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe của anh hơn.
Nhìn hình ảnh mẹ con họ quấn quýt lo lắng cho nhau, chúng tôi không khỏi xúc động. Một người mẹ nghèo quá đỗi phi thường. Một chiến sĩ biển vốn mạnh mẽ, kiên cường giờ lại không thể tiếp tục bảo vệ vùng biển quê hương vì lý do sức khỏe. Chúng tôi hy vọng rằng, ước nguyện đầu xuân của mẹ con họ sẽ thành sự thật, để câu chuyện “sự sống nối dài” tiếp tục hoàn thành sứ mệnh cao cả…