Chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường, nhưng xem ra Luật chưa đi vào cuộc sống. Trong tình hình như vậy, nhập khẩu rác đã và đang làm cho đất nước ngập trong rác, gia tăng ô nhiễm môi trường.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ ngày 1/1/2017 đến ngày 12/3/2018, cả nước có 928 doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu phế liệu, với 49.200 tờ khai. Nhập phế liệu để tái chế thành nguyên liệu sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu phế liệu.
Đặc biệt nghiêm trọng khi các doanh nghiệp lạm dụng vào chính sách để trục lợi. Tình trạng ứ đọng phế liệu nhập khẩu tại các kho bãi các cảng miền Nam hiện nay là do nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình nhập khẩu.
Thực sự quan ngại khi hiện đang có một lượng lớn hàng tồn kho tại các cảng khắp cả nước. Vì kho bãi ngập hàng ứ đọng nên Tân cảng Cát Lái không thể tiếp nhận hàng tàu nhập vào Cái Mép và Tân cảng Hiệp Phước.
"Tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Nhu cầu về phế liệu như giấy vụn, nhựa… để làm nguyên liệu là có thật, điều này có lợi về kinh tế cho nhà sản xuất nhưng không có lợi về môi trường", đánh giá này được hầu hết các thành viên Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý, chiều 25/7.
Lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng hiện nay. Rõ ràng, phải tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nhân dân.
Người dân đặt câu hỏi, tại sao không điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng; làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe?
Tại sao, Bộ Tài nguyên và Môi trường không làm rõ được tác động từng sản phẩm phế liệu, từ đó, nêu rõ cơ sở cần thiết để có danh mục phế liệu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để nhập vào Việt Nam với tinh thần là giảm danh mục tối đa, tránh tình trạng "lợi bất cập hại" do nhập phế liệu vào Việt Nam? Liệu chức năng này có ngoài tầm kiểm soát của Bộ?
Các doanh nghiệp vì “hám lợi” trước mắt đang không từ thủ đoạn nào như làm giả hồ sơ, con dấu, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện, cất giấu hàng cấm nhập khẩu, hàng có trị giá, thuế suất cao,... trong các lô hàng phế liệu để “qua mặt” cơ quan quản lý làm phức tạp thêm tình hình.
Đã đến lúc không thể nương tay vì tương lai và cuộc sống bền vững của đất nước.