Báo động tồn đọng phế liệu tại các cảng biển
Báo cáo của Bộ TN&MT cho biết: Theo số liệu của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tính đến thời điểm ngày 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các Cảng do Tổng Công ty quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam, trong đó ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.
Tại các cảng của thành phố Hải Phòng, theo số liệu báo cáo của Cục Hải Quan thành phố Hải Phòng, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn 30 - 90 ngày.
Về nguyên nhân chủ quan, chủ hàng hoặc doanh nghiệp nhập khẩu chậm trễ hoặc không đến làm thủ tục thông quan do chưa có Giấy xác nhận, có Giấy xác nhận nhưng quá hạn nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu, gây tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển, đặc biệt là tại cảng Cát Lái Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu gian lận thương mại như: Giả mạo Giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma), chuyển địa chỉ mà không cập nhật nhưng cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định sau đó bỏ hàng (hàng vô chủ) gây tồn đọng phế liệu tại các cảng biển.
Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu.
Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới (nước ngoài), chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về….
Cần sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam, rà soát các quy định về danh mục nhập khẩu phế liệu, mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì cùng 6 Bộ, ngành liên quan và các Hiệp hội ngành nghề sản xuất liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã họp bàn vấn đề này.
Đối với khoảng 6.000 container phế liệu đang tồn đọng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Bộ, ngành cũng thống nhất cần khẩn trương xử lý, tái xuất hoặc tiêu hủy. Đối với nhà nhập khẩu có đầy đủ điều kiện thì nhanh chóng cho thông quan, có thể áp dụng cơ chế hậu kiểm chất lượng phế liệu nhập khẩu, thay bằng tiền kiểm như hiện nay. Bộ trưởng đề nghị có cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết số lượng hàng tồn đọng, vừa hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự, vừa xử lý nhanh chóng đảm bảo những yêu cầu về môi trường, bến bãi.
Giải pháp tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu trong thời gian tới, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng đồng bộ giữa các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mai, Luật Hải quan và Luật Hàng hải; tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa, ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu.
Rà soát sửa các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuât đối với phế liệu nhập khẩu theo hướng chặt chẽ, đảm bảo phế liệu nhập khẩu là phế liệu sạch; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho rà soát và sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ) theo hướng loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động được nguồn cung.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội; đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng; làm chậm lưu thông hàng hóa; giảm dung lượng bãi chứa container; ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần tính đến các giải pháp quản lý nhà nước về nhập khẩu phế liệu.