Mindanao - chiến trường mới chống khủng bố?

Cuộc chiến ở Marawi đã trở thành tâm điểm hoạt động của IS ở khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh: Quân đội Philippine truy tìm các phần tử cực đoan
Cuộc chiến ở Marawi đã trở thành tâm điểm hoạt động của IS ở khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh: Quân đội Philippine truy tìm các phần tử cực đoan
(PLO) - Đảo Mindanao miền Nam Philippines có thể trở thành một chiến trường mới cho các phần tử cực đoan khu vực nếu liên minh khủng bố Maute-Abu Sayyaf cố thủ ở thành phố Marawi. 

Đây là cảnh báo của Giám đốc dự án nghiên cứu các mối đe dọa xuyên quốc gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Thomas Sanderson. 

Cảnh báo không lành

Trong phiên điều trần trước Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ mới đây, ông Sanderson cho rằng nếu không có một giải pháp ngắn hạn đối với cuộc chiến ở Marawi và một giải pháp dài hạn cho những vấn đề ở Mindanao, đảo này có thể trở thành một đích ngắm quan trọng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Chuyên gia này lưu ý rằng cuộc chiến ở Marawi đã trở thành tâm điểm hoạt động của IS ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh hơn 500 tay súng đã tham gia. Ngoài ra, ông Sanderson cũng cảnh báo về khả năng một “nhà nước Khalíp” sẽ được thiết lập, dẫn đến việc các nhóm cực đoan tranh giành quyền kiểm soát từ lực lượng chính phủ. 

Trong khi đó, đề xuất về các giải pháp, nhà phân tích của Dự án chống chủ nghĩa cực đoan Supna Zaidi Peery cho rằng cần xóa bỏ chiến dịch tuyên truyền cực đoan ra khỏi các nền tảng Internet và truyền thông xã hội. 

Thúc đẩy thành lập khu tự trị Hồi giáo

Ngày 17/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cam kết sẽ thúc đẩy việc lưỡng viện Quốc hội nước này thông qua dự luật mới về thiết lập quyền tự trị tại khu vực bất ổn nhất trong cả nước ở đảo Mindanao. 

Tuyên bố trên được Tổng thống Duterte đưa ra sau khi cùng ngày, dự luật mang tên “Luật Cơ bản Bangsamoro” được các quan chức chính phủ và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) – nhóm vũ trang Hồi giáo lớn nhất Philippines, cùng soạn thảo và đệ trình lên chính phủ. Theo dự luật dài hơn 100 trang này, khu vực có tín đồ Hồi giáo chiếm đa số ở Mindanao sẽ trở thành khu tự trị với chế độ hành pháp, lập pháp và tài chính riêng. Vùng lãnh thổ tự trị sẽ mang tên Bangsamoro, có nghĩa là “Nhà nước Moro”. 

Tổng thống Duterte khẳng định đây là bước ngoặt để chấm dứt hàng thập kỷ thù địch đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân Philippines. Ông cũng hy vọng việc lập khu tự trị sẽ góp phần loại trừ được nhóm phiến quân Maute - vốn thề trung thành với lực lượng nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hiện kiểm soát một số khu vực tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao. Theo Trưởng đoàn đàm phán hòa bình chính phủ Irene Santiago, dự luật mới có thể sẽ được thông qua trong vòng 1 năm, dự kiến vào quý I/2018. Một cuộc trưng cầu ý dân sau đó cũng sẽ phải được tổ chức tại các tỉnh dự kiến nằm trong khu vực tự trị này.

Trước đó, sau những chỉ trích nhằm vào Mỹ, Tổng thống Philippines cuối cùng thừa nhận Mỹ đã cung cấp vũ khí cho Chính phủ Philippines để chống lại quân khủng bố Maute tại thành phố Marawi. 

Trước các nhà ngoại giao tại thành phố Davao, ông Duterte đồng thời giải thích vì sao Manila không thể tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự mới nào, viện dẫn hiệp ước quân sự lâu đời giữa Mỹ và Philippines, có từ nhiều thập niên qua. Ông nói: “Tôi không thể tham gia vào liên minh quân sự với những quốc gia khác được bởi vì như vậy tôi sẽ vi phạm thỏa thuận Mỹ - Philippines. Chúng tôi vẫn sẽ ở lại với người Mỹ… Nghĩa vụ của tôi là phải bảo toàn và bảo vệ đất nước Philippines”. Hồi giữa tháng 6 vừa qua, người phát ngôn của quân đội Philippines xác nhận quân đội Mỹ đang hỗ trợ quân đội nước này trong các trận đánh tại Marawi nhằm giải phóng thành phố này khỏi tay của lực lượng Hồi giáo cực đoan liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Tuy nhiên, Mỹ chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cung cấp các thông tin có liên quan cho lực lượng của chính phủ, chứ không trực tiếp chiến đấu chống lại phiến quân trung thành với IS tại Marawi. Việc Mỹ hỗ trợ quân đội Philippines ở Marawi diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa hai bên. Tổng thống Duterte từng tuyên bố ông muốn quân đội Mỹ rút hết khỏi quốc gia Đông Nam Á này.

Các nước Đông Nam Á hiện nay đang nỗ lực ngăn chặn IS mở rộng địa bàn hoạt động sang khu vực này sau những thất bại liên tiếp tại Syria và Iraq.  Khu vực đang trong tình trạng báo động sau khi các tay súng tuyên bố trung thành với IS đánh chiếm thành phố Marawi, trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines. Kể từ khi cuộc chiến bùng phát vào ngày 23/5 đến nay, hơn 500 người đã thiệt mạng và hơn 200.000 người dân thành phố buộc phải rời bỏ nhà cửa trong khi quân đội Philippines phải huy động các máy bay chiến đấu cơ và trực thăng để tiêu diệt phiến quân. 

Liên quan đến các nỗ lực chống nguy cơ cực đoan hóa đạo Hồi, ngày 17/7, Chính phủ Indonesia thông báo cấm hồi hương với các công dân nước này bị bắt khi tham gia các hoạt động của IS tại Syria. Tuyên bố trên được đưa ra sau một loạt vụ bắt giữ các công dân Indonesia tại Syria do gia nhập vào hàng ngũ IS. Là quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia đặc biệt cảnh giác với tác động của những tay súng cực đoan.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.