Khi không khí Tết Nguyên đán vẫn còn diễn ra rất tươi vui, phụ nữ nhiều nước Châu Á tích cực hưởng ứng phong trào “One Billion Rising” (1 tỷ người trỗi dậy) để đòi đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ.
Hình minh họa |
Các hoạt động tập thể đã được lên kế hoạch tổ chức tại khoảng 200 quốc gia trong khuôn khổ ngày hoạt động của chiến dịch, nhằm kêu gọi 1 tỷ người trên thế giới đứng lên chống lại bạo lực và bênh vực 1 tỷ phụ nữ, tức 1/3 phụ nữ thế giới, những người sẽ bị hiếp dâm hoặc đánh đập trong đời họ.
Tại Ấn Độ, đất nước đang được cả thế giới chú ý vì các vụ hiếp dâm phụ nữ tàn bạo và dày đặc, những người tham gia “One Billion Rising” ở thành phố Gurgaon, gần thủ đô đã tiến hành một "nghi thức mai táng" tính gia trưởng và sự thù ghét phụ nữ.
Nhân nói về tính gia trưởng – một trong những nguyên nhân chính của nạn bạo hành đối với phụ nữ - ở Việt Nam, các cán bộ làm công tác gia đình và các nhà hoạt động vì sự bình quyền của phụ nữ từ lâu đã nhận thấy điều này.
Bằng chứng là sự ra đời của rất nhiều các câu lạc bộ không đánh vợ, câu lạc bộ đàn ông đích thực tại Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương… Tâm sự của Anh Bùi Đức Lâm, ở thị trấn Mường Khến, Tân Lạc, Hòa Bình đã minh chứng được hiệu quả của việc đi đúng hướng trong việc phòng chống bạo lực với nữ giới: “Người đàn ông Mường quê tôi từ trước vẫn quan niệm đã là chồng thì phải có quyền uy với vợ con, gia đình. Nhiều người không cho phép vợ cãi lại “vì tao là chồng mày”.
Khi tham gia câu lạc bộ, anh em được tiếp cận nhiều sách báo, tờ rơi và tham dự các buổi sinh hoạt truyền thông về giới, đến nay chúng tôi đã hiểu rằng vợ là vợ mình đấy, nhưng mình không có quyền sử dụng bạo lực, bởi như thế là vi phạm pháp luật và không phải cách thể hiện uy lực của đàn ông”.
Thế nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ. Trong công cuộc đấu tranh chống bạo lực giới ở Việt Nam, những nỗ lực tuyên truyền về bình đẳng giới còn cần thiết phải đến với cả trẻ em trai, trong môi trường giáo dục gia đình và nhà trường.
Bởi, nghiên cứu của nhóm tác giả Vũ Thành Long và Vũ Thị Thanh Nhàn - chuyên gia tư vấn của tổ chức Hòa bình và phát triển Tây Ban Nha (PyD) “Về thái độ của trẻ em trai và trẻ em gái đối với giới, nam tính và bạo lực giới tại bốn tỉnh của Việt Nam” cho thấy, khi bàn về phẩm chất và hành vi được trông đợi đối với nam giới, học sinh vẫn ủng hộ các khuôn mẫu đàn ông như những người quyết đoán, cứng rắn, mạnh mẽ và thậm chí vũ lực.
Khi đặt ra tình huống không hài lòng với người yêu, có nhiều học sinh cho biết có thể sử dụng bạo lực. Nguồn gốc của kiểu tư duy này xuất phát từ chính hình ảnh của người cha trong gia đình, môi trường tại trường học và trên phương tiện thông tin đại chúng.
Chính vì vậy nên sự kêu gọi, tuyên truyền để các các gia đình, các bậc cha mẹ chú trọng đến việc trẻ em sẽ bị tác động từ những hành vi bạo lực trong gia đình là rất quan trọng. Nỗ lực giảm tình trạng bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần thiết phải bắt đầu từ chính gia đình và nhà trường.
Thực tế đã cho thấy, những nam sinh từng thấy cha mình làm việc nhà hoặc chăm sóc con cái, từng nói chuyện với cha mẹ về tình dục và giới tính, từng tham dự vào các buổi truyền thông về các vấn đề liên quan đến bạo lực có thái độ đối xử bình đẳng hơn với bạn khác phái. Ngược lại những học sinh nam bị ngược đãi thời thơ ấu có thái độ ít bình đẳng với người khác giới hơn.
Vân An