Trường top đầu đảo ngược
Bảng xếp hạng được thực hiện bởi một nhóm xếp hạng ĐH Việt Nam gồm 6 chuyên gia độc lập, hoàn toàn phi lợi nhuận và khách quan khi các thành viên của nhóm không có ai liên quan lợi ích đến bất cứ trường nào trong danh sách xếp hạng. Kinh phí do họ tự chi trả.
Trong lần đầu công bố, nhóm đã xếp hạng 49 trường ĐH có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014. Điều bất ngờ trong bảng xếp hạng là các trường ĐH thuộc khối kinh tế có tiếng đều có xếp hạng trung bình mặc dù các cơ sở giáo dục ĐH này đều có điểm thi đầu vào luôn thuộc top 10-30% của phổ điểm, sinh viên năng động, ra trường dễ kiếm được việc làm và được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Trường ĐH Ngoại thương chỉ đứng ở vị trí giữa (thứ 23), cao hơn một chút so với các trường cùng ngành khác là Trường ĐH Thương mại (thứ 29), Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40).
Giải thích về việc xếp hạng trên, TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia - chủ biên báo cáo xếp hạng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là sự hiện diện của các trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ (đo bằng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên sinh viên). Đó là những rào cản và thách thức cho những nỗ lực cải cách của các trường này trong thời gian tới.
Bên cạnh việc xếp hạng các trường ĐH thuộc khối kinh tế, các ĐH quốc gia và ĐH vùng có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng. Ba trong tổng số 5 trường top đầu là các ĐH quốc gia và vùng ở trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước là ĐH Quốc gia Hà Nội (đứng số 1), ĐH Đà Nẵng (thứ 4) và ĐH Quốc gia TP HCM (số 5). Hai ĐH vùng còn lại là ĐH Huế và ĐH Thái Nguyên đều thuộc top trên của bảng xếp hạng (thứ tự là 8 và 17). Các cơ sở giáo dục ĐH này từ lâu được biết đến không chỉ bởi quy mô đào tạo và đội ngũ cán bộ có trình độ, mà còn bởi những đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học.
Sự góp mặt trong Top 10 trường hàng đầu không thể thiếu các ĐH lớn khác là Học viện Nông nghiệp (thứ 3), ĐH Cần Thơ (thứ 6), ĐH Bách khoa Hà Nội (thứ 7) và ĐH Sư phạm Hà Nội (thứ 10). So với các ĐH quốc gia và ĐH vùng ở trên, các cơ sở giáo dục ĐH này cũng có quy mô đào tạo khá lớn, đội ngũ cán bộ đông đảo và nhiều nghiên cứu khoa học có chất lượng.
Bất ngờ hơn là một số trường ĐH trẻ, ít được biết đến lại chiếm lĩnh vị trí cao trong bảng xếp hạng. Trường ĐH Tôn Đức Thắng vươn lên đứng thứ 2 về tổng thể, chỉ sau ĐH Quốc gia Hà Nội . Điều này có được là do thành tích vượt trội về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách khuyến khích các tác giả trong và ngoài nước tham gia hợp tác để có ấn phẩm quốc tế đứng tên trường. Một trường khác là ĐH Duy Tân cũng có những đầu tư bài bản để vươn lên thứ hạng cao (9), chủ yếu là nhờ thành tích trong công bố quốc tế (thứ 3).
Thực tế, trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics..., Việt Nam chưa có trường ĐH nào lọt vào danh sách Top 1000. Trong khi đó, bảng xếp hạng phân tầng ĐH thành ba hạng theo Nghị định do Chính phủ ban hành từ năm 2015 cũng chưa thấy được công bố. Mặt khác, cho đến nay, ĐH Việt Nam chưa được xếp hạng một cách định lượng.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2017, lần đầu tiên, Việt Nam có 4 trường ĐH đạt kiểm định chất lượng quốc tế do Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH (HCERES) của Pháp đánh giá, với hiệu lực là 5 năm. Đó là các trường: ĐH Bách khoa Hà Nội cùng ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Bách khoa TP HCM.
Nhiều tranh cãi
Không chấp nhận bảng xếp hạng “ngược”, phần lớn ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận lại các tiêu chí để đánh giá bởi những trường “top đầu không thể xếp thứ hạng thấp như vậy. Ở góc độ người trong cuộc, theo TS Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, đề xuất dự án xếp hạng cho biết, so với một số xếp hạng do các tổ chức quốc tế đánh giá về một số trường ĐH Việt Nam thì bảng xếp hạng này có tính cách toàn diện hơn.
Một số bảng xếp hạng quốc tế lại chỉ điểm qua một vài trường lớn, vì thế không vẽ ra được bức tranh lớn về đánh giá xếp hạng các ĐH Việt Nam. Nhóm cũng lường trước là việc công bố bảng xếp hạng ĐH có thể gặp phải những phản ứng từ các trường hoặc xã hội. “Tuy nhiên, chúng tôi minh bạch trong tiêu chí xếp hạng, sử dụng số liệu công khai, kiểm chứng được, lại tuân thủ các nguyên tắc độc lập, khách quan, minh bạch, có tính khoa học, nên cũng không có gì lo ngại” – TS. Giáp Văn Dương cho biết.
Và cũng theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc xếp hạng các trường ĐH phụ thuộc vào nhiều tiêu chí, góc độ khác nhau, nhưng chúng ta cũng đã tới lúc nhìn nhận sòng phẳng để người học có sự lựa chọn tốt nhất cho mình, chứ không chỉ chạy theo sự hào nhoáng.
Sinh viên và phụ huynh, đối tượng chính mà các bảng xếp hạng ĐH trên thế giới nhắm tới là những người ít quan tâm chú ý tới phương pháp và tiêu chí xếp hạng mà chỉ nhìn vào thứ hạng cao thấp của trường này hay trường khác và mặc định là trường nào có thứ hạng cao hơn tức là tốt hơn, bất chấp một sự thật là ngay cả những trường tốt nhất thế giới cũng không thể tốt nhất về tất cả mọi mặt.
Không nên gom các trường đơn ngành, đa ngành vào chung một kiểu đánh giá
Xếp hạng ĐH khác với việc chấm điểm các môn khoa học như Toán, Lý, Hóa. Với các bài toán, câu trả lời chỉ có thể là đúng hoặc sai, không phụ thuộc vào người ra đề hay người chấm điểm. Trái lại, kết quả của các bảng xếp hạng ĐH phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng các tiêu chí xếp hạng do những người đứng ra xếp hạng xây dựng lên. Nói nôm na, xếp hạng ĐH giống như một cuộc thi sắc đẹp, nó phụ thuộc khá lớn vào tiêu chí chấm của Ban tổ chức và người chấm.
Trước hết, nó gây sự chú ý và tò mò, vì nó là bảng xếp hạng đầu tiên. Thứ hai, nó đánh trúng tâm lý của người dân, đặc biệt ở một nền văn hóa ưa thứ bậc như ở Việt Nam. Thứ ba, giống như các phân tích ở trên, việc có các ý kiến trái chiều về một nghiên cứu định tính là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để nói về độ tin cậy và khả năng chuyển giao của nó thì còn nhiều điều cần bàn.
Cụ thể, các tác giả đưa các tiêu chí đánh giá chủ yếu dựa trên lý thuyết và tham chiếu các bảng xếp hạng thế giới, vốn là các bảng xếp hạng dành cho các trường ĐH theo chuẩn phương Tây (ĐH đa ngành với thuộc tính là nghiên cứu song song với giảng dạy, giảng dạy chứ không phải đào tạo, đào tạo vốn là trách nhiệm thuộc các trường dạy nghề). Trong khi sự phát triển của các ĐH ở Việt Nam chưa thể tiệm cận được với các chuẩn phương Tây.
Do đặc thù và sự hạn chế về nguồn lực, đa phần các trường ĐH Việt Nam là trường đơn ngành với sứ mệnh xuyên suốt là đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghiên cứu vốn không thuộc chức năng của các trường ĐH, mà thuộc các trung tâm nghiên cứu, được thành lập riêng biệt.
Việc áp dụng chung các tiêu chí xếp hạng và gom tất cả các loại trường đơn ngành, đa ngành, trường chuyên về khoa học tự nhiên như Bách khoa, Công nghệ với các trường thuộc khối xã hội như Luật, Nhân văn hay Báo chí cũng làm giảm sức thuyết phục của bảng xếp hạng. Nó giống như một cuộc thi sắc đẹp mà người ta dùng chung một chuẩn mực đánh giá, kể cả các chuẩn về hình thể với cả ba loại đối tượng: nữ sinh, nam sinh và người lưỡng tính vậy!
Với đặc thù của hệ thống giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay, việc xếp hạng, nếu muốn, nên dừng lại ở các trường/khoa cùng chuyên ngành hoặc nếu gộp chung các trường đơn ngành thì phải cân nhắc các chỉ số rất cẩn trọng, giống như việc ở ĐH Quốc gia Hà Nội áp chỉ tiêu công bố cho các trường ĐH khối khoa học xã hội và nhân văn chỉ bằng 25% chỉ tiêu của các trường khối khoa học tự nhiên, công nghệ và y-dược vậy.
TS. Phạm Thị Ly - ĐHQG TP Hồ Chí Minh:
Lấy việc đào tạo ra những con người có ích cho xã hội làm thước đo
Các tác giả đã cố gắng chứng minh đó là thước đo khách quan và khả tín, song bản thân tiêu chí này cũng đang có vấn đề của nó. Trong cơn sốt xếp hạng, các trường đua nhau tăng con số công bố, kết quả là đạo văn, mua bài. Cái đó có giúp ích cho các trường, cho sinh viên không? Rõ ràng là không. Nếu ta nhấn mạnh tiêu chí đó như thứ để đo thành quả các trường thì ta sẽ đưa bức tranh sai lệch.
Quan trọng hơn, nó sẽ thúc đẩy các trường đi con đường sai lệch vì họ sẽ chạy theo thành tích, chạy theo bài báo, làm mọi cách để có những con số thật đẹp thay vì tập trung sứ mạng tạo ra tri thức, phục vụ cộng đồng và đào tạo sinh viên. Như vậy, câu hỏi của chúng ta không phải trường nào công bố nhiều hơn mà trường nào thực sự đóng góp cho việc đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, trường nào thực sự tạo ra kiến thức giúp ích cho cộng đồng, cải thiện đời sống người dân, thay đổi bộ mặt xã hội.