Lực lượng đặc biệt Triều Tiên và những vụ đột kích nổi tiếng trong lịch sử (Kỳ 2)

Vũ khí của lính đặc nhiệm Triều Tiên bị thu trong vụ đột kích Nhà Xanh
Vũ khí của lính đặc nhiệm Triều Tiên bị thu trong vụ đột kích Nhà Xanh
(PLO) -Nhóm 31 người phải mất 2 ngày 2 đêm để xuyên qua phòng tuyến của liên quân Mỹ Hàn, mọi việc diễn ra bình thường; nhưng tối 19/1, người chỉ huy nhóm biệt kích đã phạm một sai lầm nghiêm trọng dẫn đến thất bại của cả kế hoạch. 

Tối hôm đó, khi băng qua một khu rừng, họ gặp 4 người thợ rừng Hàn Quốc. Do đã cải trang thành lính Hàn Quốc nên rất dễ dàng đánh lừa, thế nhưng, chỉ huy phân đội đã ra lệnh bắt giữ 4 người này và bộc lộ thân phận thật của nhóm.

Bất cẩn

Thì ra, vị chỉ huy này nghĩ đây là thời cơ tốt để “tuyên truyền giáo dục nhân dân Hàn Quốc bị áp bức tự giải phóng” nên đã tập trung họ lại để tuyên truyền về lý tưởng giải phóng miền Nam, tư tưởng Juche của lãnh tụ Kim Nhật Thành.v.v.. sau đó thả họ ra với ý nghĩ bài giáo dục của mình nhất định có hiệu quả, mà cho dù họ có báo cảnh sát  thì phía Hàn Quốc cũng không tin.

Tuy nhiên, trái với điều ông ta nghĩ, những người thợ rừng này đã báo tin về toán người đột nhập cho cảnh sát và tin này lập tức được báo lên trên…

Sau khi nhận được tin về nhóm biệt kích Bắc Triều Tiên, 3 tiểu đoàn từ Sư đoàn bộ binh số 25 của Hàn Quốc đã được điều đến khu vực này để càn quét, lùng sục truy bắt, tuy nhiên do ngụy trang tốt, cả nhóm biệt kích đã rời khỏi khu vực này an toàn.

Nhóm biệt kích tiếp cận Seoul vào lúc 20h tối ngày 21/1 và tập hợp tại   Seungga-sa để chuẩn bị cuộc tấn công vào Nhà Xanh. Trong khi đó, an ninh được thắt chặt trên mọi thành phố của Seoul, đồng thời các chốt kiểm soát an ninh được đặt dày đặc xung quanh khu vực Nhà Xanh.

22h ngày 21/1/1968, toàn bộ nhóm biệt kích 31 người đã tiếp cận trạm kiểm soát an ninh Jahamun, chỉ cách Nhà Xanh chưa đầy 100m, các lính đặc nhiệm Triều Tiên đã nhìn rõ Nhà Xanh, một đội viên phấn khởi nói với các đồng đội: “Các đồng chí ơi, chỉ ít phút nữa tiếng súng của chúng ta sẽ gây chấn động cả thế giới. Sự nghiệp thống nhất tổ quốc sẽ bắt đầu bằng hành động của chúng ta”.

Thế nhưng giữa lúc họ đang háo hức tiếp cận Nhà Xanh thì đột nhiên gặp phải một tốp cảnh sát tuần tra do Cảnh sát trưởng Choi Gyu-shik dẫn đầu. Cảnh sát trưởng Choi Gyu-shik thấy nghi ngờ sự xuất hiện của họ nên đã chặn nhóm người này lại để kiểm tra. Ông Choi thấy nghi ngờ nhóm người này vì họ mặc quân phục dã chiến, trong khi theo quy định các đơn vị dã chiến nếu không có mệnh lệnh của cấp cao nhất không được tùy tiện rút về phía sau.

Đài tưởng niệm cảnh sát trưởng Choi Gyu-shik
Đài tưởng niệm cảnh sát trưởng Choi Gyu-shik

Điểm khả nghi nữa là Choi Gyu-shik nhìn thấy đám lính này mặc quân phục dã chiến nhưng lại đi giày du lịch màu đen, kiểu ăn mặc lộn xộn đó không thể tồn tại trong quân đội Hàn Quốc. Vì vậy, Choi quát lớn:

“Các người ở đơn vị nào?” Đúng lúc đó có 2 chiếc xe bus chở khách chạy tới và dừng ngay bến ở cạnh đó. Các lính đặc nhiệm Triều Tiên tưởng rằng quân tiếp viện của Hàn Quốc kéo tới nên đã nổ súng bắn chết ngay Choi Gyu-shik và ném thủ pháo về phía các xe hơi. Tiếng súng và lựu đạn nổ chát chúa đã thu hút lính quân cảnh Hàn Quốc ập tới, hai bên đấu súng ác liệt.

Đổ bể

Nhóm biệt kích theo lệnh của đội trưởng chia thành nhiều nhóm nhỏ để chạy trốn về núi Inwang, Bibong và Uijeongbu. Ngay đêm hôm đó và ngày 22/1, Hàn Quốc đã huy động hàng chục vạn quân đội và cảnh sát tiến hành càn quét lùng sục để vây bắt nhóm biệt kích Triều Tiên. Theo báo chí Hàn Quốc, trong số 31 kẻ đột nhập, đã tìm thấy 29 thi thể, bắt sống được 1 người còn 1 người mất tích. Phía Hàn Quốc có 68 người chết và bị thương (22 người chết, 46 người bị thương). 

Người bị bắt là Trung úy Kim Shin-jo sau này kể lại: Anh ta thuộc tốp 4 người cuối cùng phá vòng vây chạy đến được gần khu vực giới tuyến và tìm được chỗ ẩn nấp. Để yểm hộ đồng đội, Kim chủ động mò ra thám thính tình hình thì bị phát hiện, định tự sát nhưng không kịp và bị bắt.

Sau này Kim Shin-jo xin ở lại Hàn Quốc và trở thành một mục sư Tin Lành. 3 người còn lại chờ mãi không thấy Kim Shin-jo quay trở lại, đoán đã có chuyện không hay xảy ra, bèn quyết định phá vây. Cuối cùng 2 người nữa hi sinh, chỉ còn lại  Park Jae-kyung mặc dù bị thương nặng, lòi cả ruột ra ngoài vẫn gắng sức vượt qua vòng vây của kẻ thù, trở về Bắc Triều Tiên thành công.

Sau này  Park Jae-kyung được phong Anh hùng Triều Tiên, vào thập niên 1980 là Cục trưởng Tuyên truyền, Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên; tháng 11/1993, được phong hàm Trung tướng, được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên; tháng 6/1994 Park Jae-kyung được thăng hàm Thượng tướng, tháng 9 cùng năm được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm TCCT; tháng 2/1997 ông được phong hàm Đại tướng, tháng 7/2007 được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên (Bộ Quốc phòng); năm 2010 ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng.

Đáng chú ý, tháng 9/2000, khi quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc ở vào giai đoạn hòa dịu, Park Jae-kyung đã trở lại Nhà Xanh, mang theo quà của nhà lãnh đạo Kim Jung-il là “Nấm quý Thất Bảo Sơn” tặng Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung.

Kim Shin-jo bị bắt
Kim Shin-jo bị bắt

Tàu ngầm Sang-O xâm nhập

Tháng 9/1996, lực lượng đặc biệt Triều Tiên đã sử dụng tàu ngầm Sang-O đột nhập khu vực gần thành phố Gangneung thuộc tỉnh Gangwon ở phía Đông bờ biển Hàn Quốc để thu thập tình báo.

Tuy nhiên, do tàu ngầm bị mắc cạn nên toàn bộ 26 lính Triều Tiên phải bỏ tàu lên bờ ẩn náu trong rừng. Quân đội và cảnh sát Hàn Quốc đã tiến hành cuộc truy lùng suốt 2 tháng trời, cuối cùng chỉ có 2 trong số 26 người xâm nhập sống sót, phía Hàn Quốc bị chết 16 người, bị thương 27 người. Hành động xâm nhập của lực lượng đặc biệt Triều Tiên bị kết thúc bằng thất bại.

Ngày 13/9/1996, Thượng úy Chong Yong-ku, chỉ huy Tàu ngầm trinh sát số 1 thuộc Đội 2, Trung đội 22 hải quân, Cục Trinh sát họp hội nghị quán triệt nhiệm vụ lần cuối cho toàn bộ thủy thủ đoàn và các lính đặc nhiệm của Cục Trinh sát. Trước đó, họ đã tổ chức huấn luyện diễn tập 5 lần, trong đó có 2 cuộc diễn tập sát với điều kiện thực chiến.

Tất cả các nhân viên công tác và lính đặc nhiệm đều viết cam kết trung thành, hứa hẹn “chỉ quay trở về sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ do Tướng quân Kim Nhật Thành giao cho”. Trung tướng Kim Tae-ji, Cục trưởng, ra lệnh cho các thành viên đội xâm nhập “hãy hoàn thành nhiệm vụ với dũng khí lớn nhất”. 

Nhiệm vụ cụ thể, 26 người đột nhập bao gồm 21 thủy thủ tàu ngầm, Đại tá Kim Dong-won – Chủ nhiệm trinh sát hải quân, 1 phó chủ nhiệm và 2 lính bảo vệ; 3 người còn lại thuộc Tổ trinh sát thuộc lực lượng đặc biệt.

Nhiệm vụ của tổ trinh sát là thu thập tình báo về căn cứ quân sự ở khu vực phụ cận Gangneung; còn nhiệm vụ của các nhân viên tàu ngầm là chụp ảnh bãi biển và các công trình gần đó. Đây không phải là nhiệm vụ mới mẻ đối với họ bởi ngay từ những năm 1970, người lãnh đạo quá cố Kim Nhật Thành đã giao nhiệm vụ giám sát mọi hoạt động quân sự của Hàn Quốc và quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cho các đơn vị trinh sát Triều Tiên.

5h sáng ngày 14/9, chiếc tàu ngầm số 1 rời khỏi căn cứ ở bờ biển phía Đông. Chiếc tàu ngầm lớp Sang-O này được cải tiến đặc biệt để làm nhiệm vụ đột nhập có lượng giãn nước 325 tấn, dài 32,5m, rộng 3,7m, khi lặn có thể di chuyển với tốc độ lớn nhất 12 hải lý/h. Khoảng 19h50’ chiều ngày 15/9, tàu ngầm đến vùng biển gần thành phố Gangneung cách bờ biển 8 hải lý.

Gangneung nằm cách Seoul 140km về phía Đông, cách giới tuyến quân sự Bắc-Nam 150km về phía Nam. Tàu ngầm từ từ tiếp cận bờ biển, đến cách bờ khoảng 400m thì dừng lại. 3 lính lực lượng đặc biệt và 2 lính bảo vệ đeo thiết bị lặn rời khỏi tàu bơi vào phía bờ, khoảng 21h thì đến nơi.

Park Jae-kyung - lính biệt kích duy nhất thoát được về Triều Tiên này là Đại tướng
Park Jae-kyung - lính biệt kích duy nhất thoát được về Triều Tiên này là Đại tướng

3 lính trinh sát cất giấu đồ lặn còn 2 lính bảo vệ bơi trở lại tàu ngầm, chiếc tàu lặng lẽ quay ra vùng biển quốc tế. Ngày 16/9, tàu ngầm quay trở lại vùng biển Hàn Quốc định đón tổ trinh sát, nhưng do không đón được đồng đội nên tàu lại quay ra vùng biển quốc tế…/.(Mời xem tiếp số sau) 

Đọc thêm

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?
(PLVN) - Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ mở rộng lãnh thổ và sự kiểm soát của quốc gia này, trong đó bao gồm việc sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama. Tầm ảnh hưởng của Kênh đào Panama lớn tới đâu và lý do của Mỹ khi bày tỏ mong muốn “đòi lại” con kênh đào này là gì?

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.