Rút ngắn thời gian gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường
Kinh phí bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN năm 2017) đó là một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng như bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện pháp luật về bồi thường Nhà nước. Một số nội dung cơ bản về cấp phát kinh phí bồi thường, chi tiền bồi thường theo Luật TNBTCNN năm 2017, bao gồm:
Về nguồn kinh phí bồi thường gồm: Kinh phí quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, so với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 về cơ bản có sự kế thừa về nguồn kinh phí quản lý nhà nước, theo đó, trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách Trung ương; trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh. Điểm khác duy nhất đối với việc phân cấp trong việc bảo đảm kinh phí bồi thường, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định rõ đối với trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh để tránh việc hiểu không thống nhất bởi theo quy định Điều 6 Luật Ngân sách năm 2015 thì ngân sách địa phương bao gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương.
Kinh phí cho chi trả tiền bồi thường và định giá, giám định: Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan Bộ Tài chính, Sở Tài chính các tỉnh thành sẽ căn cứ thực tế chi phí định giá tài sản, giám định thiệt hại đã cấp phát của năm trước để lập dự toán. Như vậy, trong quá trình giải quyết bồi thường định giá tài sản và giám định thiệt hại sẽ được ngân sách nhà nước cấp bổ sung mà không lấy vào kinh phí hoạt động của cơ quan giải quyết bồi thường. Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định cụ thể cơ quan lập dự toán để bảo đảm cơ sở cho việc chi định giá tài sản, giám định thiệt hại.
Theo Luật TNBTCNN năm 2009 có khoảng 28.000 cơ quan lập dự toán ngân sách bồi thường nhà nước hằng năm. Khác với quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 có quy định đơn giản hơn về thẩm quyền lập dự toán kinh phí bồi thường: về lập dự toán (Điều 61), có sự thống nhất về đầu mối là cơ quan tài chính. Như vậy, theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017, trách nhiệm lập dự toán kinh phí bồi thường chỉ do Bộ Tài chính và 63 Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện. Việc quy định như trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lập dự toán, thống nhất đầu mối lập dự toán bảo đảm việc lập dự toán có tính khả thi, có cơ sở, đơn giản hóa thủ tục tránh quá nhiều cơ quan lập dự toán.
Về thủ tục cấp phát kinh phí và chi trả tiền bồi thường: Luật TNBTCNN năm 2009 quy định cụ thể về thời gian thẩm định hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và thời hạn bổ sung hồ sơ kéo dài. Trên cơ sở kinh phí được cơ quan tài chính cấp phát thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật TNBTCNN năm 2009) và Điều 7 Thông tư liên tịch số 71: Cơ quan tài chính thực hiện kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày, trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung trong thời hạn 15 ngày.
Theo quy định tại Điều 62 Luật TNBTCNN năm 2017 đã rút ngắn thời gian gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền chỉ có 02 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về việc giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, đồng thời bỏ quy định về kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường của cơ quan tài chính có thẩm quyền và của cơ quan chủ quản (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Chi trả cho người thiệt hại: nhanh gọn hơn
Việc chi trả cho người thiệt hại cũng được thực hiện nhanh gọn hơn, nếu như Luật TNBTCNN năm 2009 thời gian là 05 ngày thì theo Luật TNBTCNN năm 2017 thời gian cũng được rút ngắn hơn đảm bảo kịp thời hơn cho người bị thiệt hại. Cụ thể, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu bồi thường nhận được thông báo, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải tiến hành chi trả tiền bồi thường.
Trên thực tiễn việc giải quyết bồi thường có trường hợp đã thực hiện chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên cũng có trường hợp người bị thiệt hại không hợp tác, phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường, không nhận tiền bồi thường nhằm gây khó khăn cho cơ quan giải quyết bồi thường. Để khắc phục thực tế trên, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định trường hợp về sung quỹ nhà nước nếu người yêu cầu bồi thường không nhận tiền bồi thường trong thời hạn luật định.
Về tạm ứng kinh phí bồi thường: Đây là quy định hoàn toàn mới liên quan đến cấp phát kinh phí bồi thường nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại được bù đắp kịp thời một phần thiệt hại đặc biệt trong tố tụng hình sự. Khắc phục hạn chế của Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định 01 Điều (Điều 44) về tạm ứng kinh phí bồi thường. Theo đó, ngay sau khi nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị tạm ứng một phần về tinh thần mà thiệt hại đó có thể tính được ngay mà không cần xác minh kinh phí nhằm kịp thời khắc phục những thiệt hại. Tuy nhiên, để được tạm ứng kinh phí bồi thường Luật quy định cần có điều kiện nhất định cũng như trách nhiệm của cơ quan, trình tự, thủ tục tạm ứng kinh phí.
Nhìn chung, quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 về việc cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả bồi thường tạo thuận lợi cho người yêu cầu bồi thường cũng như cơ quan giải quyết bồi thường. Để chuẩn bị cho công tác đưa Luật vào cuộc sống, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan cần xác định trách nhiệm quyền hạn của mình, có sự chuẩn bị về nhân sự để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ theo Luật TNBTCNN năm 2017 từ việc tiếp nhận hồ sơ cho đến giai đoạn cấp phát chi trả tiền bồi thường. Đặc biệt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần thực hiện tốt để nâng cao nhận thức của người dân trong việc hợp tác với cơ quan nhà nước trong giải quyết bồi thường.