Như PLVN đã đưa tin về việc Công ty TNHH Việt Hồng kinh doanh phần mềm nghe lén hơn 14 000 người gây chấn động. Đứng dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đây là vụ án gây xôn xao dư luận, được rất nhiều người quan tâm, phía công ty TNHH Việt Hồng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
|
LS Trương Quốc Hòe. |
- Theo luật sư, hành vi kinh doanh phần mềm ptracker khiến hơn 14 nghìn người bị nghe lén cuộc goi, danh bạ, tin nhắn,... thậm chí điều khiển điện thoại từ xa để lấy dữ liệu của công ty TNHH Việt Hồng đã vi phạm pháp luật như thế nào?
Công ty TNHH Việt Hồng vi phạm khoản 2 Điều 21 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hôi chủ nghĩa Việt Nam được được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 quy định tại Điều 21: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Ngoài ra, tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2005 về Quyền bí mật đời tư: Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hành vi của Công ty TNHH Việt Hồng và những người cố ý cài đặt phần mềm ptracker đã vi phạm quy định về Bảo đảm bí mật thông tin tại Điều 6 Khoản 3 Luật viễn thông năm 2009 về Bảo vệ bí mật thông tin.
Ngoài ra, Công ty cũng vi phạm quy định của Khoản 4 Điều 4 Thông tư 14/2010/TT-BTTTT ngày 29/6/2010 của Bộ thông tin và truyền thông về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet đối với đối với hoạt động trên trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến.
- Trong vụ việc này thì trách nhiệm pháp lý hành chính của công ty TNHH Việt Hồng là gì?
Về trách nhiệm hành chính, hành vi vi phạm của Công ty TNHH Việt Hồng thuộc trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Như vậy, hành vi vi phạm của Công ty TNHH Việt Hồng sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Mức phạt cụ thể căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Việt Hồng, hành vi vi phạm thuộc trường hợp có tình tiết tăng nặng “Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn” (Điểm l Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính) nên mức xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Việt Hồng có thể trên mức trung bình của khung hình phạt nhưng không được vượt quá 20.000.000 đồng.
- Còn về trách nhiệm pháp lý hình sự thì thế nào thưa luật sư?
Chủ thể trong quy định của pháp luật hình sự Việt Nam chỉ là cá nhân. Do đó, muốn xử lý hình sự trong trường hợp này thì chỉ xử lý người đại diện theo pháp luật và những thành viên của Công ty có liên quan đến việc nghe lén, xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật – tắt 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát. Những người này sẽ bị phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác theo quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự.
Trường hợp các cá nhân mua phần mềm bất hợp pháp của Công ty nhằm mục đích truy cập trái phép điện thoại của người khác thì có thể sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
Nếu người nào dùng các thông tin cá nhân lấy cắp được trên điện thoại do Công ty lấy được nhằm mục đích để thanh toán mua hàng trực tuyến, rút tiền trong tài khoản người khác,.. nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý tương ứng theo điều 226b Bộ luật hình sự (BLHS): Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Nếu người nào mà dùng phần mềm truy cập bất hợp pháp vào điện thoại người khác để theo dõi, nghe trộm điện thoại, tin nhắn, lấy cắp dữ liệu cá nhân,.. nhằm mục đích gián điệp thì sẽ bị xử lý tương ứng với khách thể xâm hại là điều 80 BLHS: Tội làm gián điệp.
- Trong trường hợp này, những người bị hại, cụ thể là hơn 14 000 người bị nghe lén sẽ được bồi thường như thế nào?
Những nạn nhân của vụ việc trên có thể khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Ngoài việc yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH Việt Hồng phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền về bí mật điện thoại, công khai xin lỗi, người khởi kiện có thể yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi vi phạm phải bồi thường tổn thất về tinh thần.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự và quy định tại khoản c, điểm 3.3 Mục 3, Phần II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì: Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Như vậy, mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Cảm ơn luật sư!