Không đồng ý với việc vị đại diện VKS coi công văn trả lời có tính chất “tham khảo” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như căn cứ kết tội “Cố ý làm trái” với các bị cáo, hôm qua, Luật sư (LS) của bầu Kiên và 5 đồng phạm đã đề nghị xem xét trách nhiệm đối với NHNN trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động liên quan trong vụ án này.
Không hướng dẫn, trách ai?
Đại diện VKS tại phiên tòa đã luận tội đối với các bị cáo về tội “Cố ý làm trái” như sau: Hành vi của các thành viên thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB) ban hành Nghị quyết ngày 22/3/2010 ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại hơn 700 tỷ đồng là trái đối tượng nhận ủy thác theo quy định tại Điều 2 Quyết định 742 ngày 17/7/2002 của Thống đốc NHNN.
Theo đó, bên nhận ủy thác chỉ có thể là các tổ chức tín dụng không phải là cá nhân như ACB đã làm. Mặt khác, thời điểm triển khai ủy thác (từ ngày 27/6/2011 đến ngày 5/9/2011) thì Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực và Điều 106 Luật này quy định “Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác (…) trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng (…) theo quy định của NHNN”.
Có nghĩa là, khi ngân hàng chưa có hướng dẫn cụ thể thì ACB đã vội ủy thác cho các cá nhân của mình đi gửi tiền là trái Điều 106 trên. Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án, NHNN có Công văn 350 (ngày 17/5/2012) khẳng định ủy thác của ACB là sai: “Việc ACB thực hiện ủy thác đối với 19 nhân viên khi chưa có hướng dẫn của NHNN là vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010”.
Từ những căn cứ trên, VKS nhận định Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn phạm tội “Cố ý làm trái”.
Hôm qua, các LS bào chữa cho các bị cáo đồng loạt đưa ra quan điểm: quy kết của VKS không có cơ sở do đã áp dụng luật sai nghiêm trọng. LS Hoàng Đôn Hùng phân tích, thời điểm ban hành Nghị quyết ủy thác, luật điều chỉnh hoạt động này là Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và tại Điều 72 cho phép ngân hàng được quyền ủy thác.
Quyết định 742 hướng dẫn Luật trên cũng không có điều nào ngăn cấm ngân hàng ủy thác cho cá nhân như lập luận của đại diện VKS. Còn thời điểm thực hiện ủy thác lại chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong đó tiếp tục quy định ngân hàng được ủy thác.
Việc ngân hàng chưa ban hành hướng dẫn cũng không có nghĩa là ACB phạm tội cố ý làm trái. Cho đến hiện nay, NHNN vẫn chưa có hướng dẫn về ủy thác và đại diện NHNN trả lời tại Tòa là chưa bao giờ có kế hoạch hay ý định hướng dẫn.
Thực tế, từ trước khi có luật, hoạt động này đã được các ngân hàng thực hiện, ACB được NHNN chuẩn y trong điều lệ được ủy thác từ năm 2005, vậy phải chăng vì không phải là hoạt động mới, là quyền đương nhiên của các ngân hàng nên NHNN đã không cần hướng dẫn? Nếu không phải vậy thì cơ quan ban hành văn bản đã gây oan sai với doanh nghiệp?”- LS Hùng nói.
LS này cũng ví việc “bắt tội” doanh nghiệp trong trường hợp này chằng khác nào phạt người vượt đèn đỏ trong khi không lắp đèn xanh!
LS Nguyễn Minh Tâm cũng dẫn chứng thực tế nhiều ngân hàng đều có hoạt động ủy thác như ACB nhưng NHNN không “tuýt còi”. LS Tâm kịch liệt phản đối Công văn 350 chỉ mang tính chất tham khảo nói trên nhưng lại được cơ quan tố tụng lấy làm căn cứ kết luận tội của các bị cáo:
“Công văn này do Chánh Thanh tra NHNN ký nhưng có nội dung giải thích luật là sai thẩm quyền, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có quyền này. Nội dung giải thích không có căn cứ khi đánh đồng chưa có hướng dẫn mà thực hiện là vi phạm. Chậm ban hành văn bản hướng dẫn không có nghĩa là các hành vi, hoạt động đã được luật cho phép thì không được thực hiện hoặc buộc phải tạm ngừng, chấm dứt cho đến khi có văn bản hướng dẫn”.
Từ nhận định trên, LS Tâm đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét hành vi của các bị cáo trong tổng thể thực trạng ban hành các văn bản hướng dẫn chậm, nếu tuyên các bị cáo phạm tội thì cũng phải xem trách nhiệm của NHNN không ban hành văn bản khiến doanh nghiệp “mắc bẫy”.
Trước việc này, LS Hùng ngày hôm qua đã đưa ra một đề nghị chưa có tiền lệ: “Đề nghị HĐXX khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì chậm ban hành văn bản hướng dẫn.”
Bầu Kiên nóng ruột chờ được tự bào chữa
Một hành vi khác cấu thành tội “Cố ý làm trái” của các bị cáo theo cáo trạng là đã cấp 700 tỷ đồng để ACBS mua cổ phiếu của ACB, trong khi theo quy định ACBS là Cty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ nên không được mua cổ phiếu của ACB (Theo quy định tại Điều 29, Quyết định 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính). Hành vi này gây thiệt hại cho ACB hơn 600 tỷ đồng.
Ngày hôm qua, LS bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang cũng “nói hộ” cho những bị cáo khác với lập luận: “Chủ trương cấp tiền không có từ nào chỉ định mua cổ phiếu của ACB mà nói rất rõ cấp 700 tỷ đồng để mua một số cổ phiếu có giá trị tốt và có tính thanh khoản cao trên thị trường, do đó không hề trái quy định như VKS viện dẫn.
Mặt khác, ACBS không trực tiếp mua mà theo hợp đồng hợp tác với hai công ty khác là hình thức đầu tư gián tiếp được Luật Đầu tư cho phép. Hai công ty hợp tác này mới là chủ sở hữu thực sự của cổ phiếu ACB nên không thể kết tội là các bị cáo đã làm trái Điều 29 nêu trên”.
Cho đến chiều qua, tất cả LS của các bị cáo đã trình bày xong phần bào chữa cho các bị cáo trong vụ án. Bầu Kiên nhiều lần nóng ruột đề nghị được tự mình bào chữa nhưng HĐXX chưa cho phép. Dự kiến ngày hôm nay, các bị cáo sẽ lần lượt được tự bào chữa cho mình.