Cho tới bây giờ. Luật này sẽ có hiệu lực sau khi được Tổng thống Ấn Độ ký sắc lệnh ban hành. Đối với tất cả các nước trên thế giới này có cộng đồng người theo đạo Hồi là bộ phận dân cư, bộ luật này ở Ấn Độ chẳng khác gì một cuộc cách mạng pháp lý.
Nội dung và mục đích chính của bộ luật mới này ở Ấn Độ là cấm việc đàn ông theo đạo Hồi ở đất nước này được ly hôn vợ bằng cách 3 lần thể hiện công khai là muốn ly hôn vợ, bằng cách nói trực tiếp, bằng gửi thư, bằng cả nhắn tin trên điện thoại di động thông minh, tức là không công nhận tính hợp pháp, hợp hiến của cách thức ly khai ấy. Luật này quy định người vi phạm có thể bị tuyên phạt ngồi tù nhiều năm.
Theo quan điểm và hiểu biết chung của thế giới hiện đại về luật pháp và tư pháp thì cách thức ly hôn bằng 3 lần công khai thể hiện thái độ kia bất công và phi nghĩa đối với người vợ. Luật pháp quốc gia có sứ mệnh và trách nhiệm thực hiện, đảm bảo bình đẳng giới và công bằng xã hội. Bộ luật mới này ở Ấn Độ được chính phủ xây dựng và đưa ra quốc hội chấp thuận chính nhằm thực thi sứ mệnh, trách nhiệm ấy.
Nhưng cách thức ly hôn kia lại là cái lệ rất bền vững trong đạo Hồi, thâm căn cố đế trong đời sống của người theo đạo Hồi. Thuở xa xưa thì không nói làm gì nữa nhưng trong thế giới hiện đại thì ngay cả ở không ít quốc gia coi đạo Hồi là quốc giáo, cái lệ này cũng đã bị bãi bỏ bởi xã hội trong thế giới hiện đại không thể chấp nhận nó.
Ấn Độ là một trong những quốc gia trên thế giới cộng sinh nhiều tôn giáo và sắc tộc khác nhau. Cộng đồng người theo đạo Hồi ở Ấn Độ không phải lớn nhất nhưng cũng không phải nhỏ bé nhất. Xung khắc, bất hoà và căng thẳng giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo cho đến tận ngày nay vẫn là một trong những thách thức lớn và khó khắc phục nhất đối với nhà nước, chính quyền và luật pháp cũng như tư pháp ở Ấn Độ. Sự chống đối bộ luật nói trên vì thế rất dữ dội và quyết liệt.
Ấn Độ cũng như các nước trên thế giới ở trong tình cảnh tương tự, khắc phục thách thức này thường bằng hai cách là để cho luật pháp quốc gia và lệ tôn giáo cùng tồn tại và cùng có hiệu lực hoặc bằng cách dùng luật quốc gia chế tài và trấn át lệ tôn giáo mà cụ thể là chỉ cho phép áp dụng một số lệ tôn giáo nhất định.
Đằng sau chuyện luật và lệ này là cuộc tranh đấu giữa nhà nước pháp quyền với những tiêu chí phổ cập chung về công bằng xã hội và bình đẳng giới, về dân chủ và nhân quyền với các tôn giáo muốn duy trì các lệ tục cổ hủ bằng mọi giá. Việc tìm kiếm sự hài hoà và dung hoà giữa hai phía thật không dễ dàng gì. Nhưng suy cho cùng thì luật quốc gia vẫn luôn phải được coi là tối thượng và lệ tôn giáo phải phù hợp với luật quốc gia./.