Luận bàn về chiếc quan tài giữa nhà của người xưa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người Việt tùy phong tục từng vùng mà khi có người già trong nhà hay có cỗ quan tài để chỗ trang trọng nhất hoặc gác lên giữa nhà. Theo quan điểm của những địa phương có tục này thì người già là một món quà quý, nên cỗ quan tài không có gì đáng sợ, xui rủi mà đơn giản chỉ là một “chiếc áo đẹp” để chuẩn bị cho chuyến đi xa.

Áo quan trong nhà không đáng sợ

Tôi nhớ khi gia đình tôi chuyển về quê nội, tôi đã thấy cỗ quan tài sơn màu đỏ để trong nhà bác tôi. Ban đầu tôi hơi bỡ ngỡ và sợ, nhưng dần chơi với lũ trẻ, chiếc quan tài thành chỗ thân quen. Thậm chí chúng tôi còn trèo lên đó nằm ngủ. Sau này, bác tôi vào Nam, bà nội ở với nhà tôi, chiếc quan tài lại được đặt trang trọng trong nhà. Bà nội tôi hay khoe là đã có “áo mới” rồi nên không lo lắng khi qua đời.

Tôi lên nhà ông bà ngoại, nhà dì đều có những cỗ quan tài để trong nhà như vậy, nhiều nhà họ còn gác lên cao cẩn thận lắm. Có gia đình suy nghĩ đơn giản thì họ dùng chiếc áo quan đó để đựng thóc khi mà người già đang mạnh khỏe.

Người xưa coi cái chết là “mãn kiếp”, nên họ rất ung dung, tự tại chuẩn bị sắm chiếc “áo mới” cho mình để đi vào hành trình mới. Giàu hay nghèo cũng gắng sắm cho mình chiếc quan tài, đồ khâm liệm. Một cách sửa soạn hành trang đi vào cõi chết lúc còn mạnh khỏe. Cụ Nguyễn Khuyến từng nói trong bài thơ “Mua quan tài” rằng “Quan tài sẵn có chết thì chôn”.

Tôi nhớ, trước khi đóng áo quan, người được đóng “áo mới” rất vui vẻ, họ mời họ hàng thân thích tới ăn cỗ, rồi thợ mộc cưa xẻ, bào gỗ giữa sân nhà rất hoạt náo. Khung cảnh đó cho tôi có cảm giác người già chuẩn bị cho mình “một ngôi nhà mới” không có sự lo âu mà hồn nhiên như điều gì đến sẽ đến theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Quy luật cuộc đời được đón nhận bằng niềm vui hân hoan.

Trong làng, nhà nào nghèo khó không có được cỗ hậu sự là điều bất hạnh. Nhiều gia đình phải cuốn manh chiếu mang ra đồng coi như xong một kiếp người. Cũng có trường hợp nhiều người chết đột tử hay chết trẻ chưa có hậu sự đành “vay mượn” người già đã đóng rồi. Vì có nhiều người 70 tuổi đóng áo quan, nhưng tới 80 hay 90 vẫn thọ, nên cho “mượn” cũng là chuyện thường ở xóm làng trong cơn khốn khó. Ít ai đi đóng áo quan vội vã sau khi chết, chỉ có thời chinh chiến lính chết trận nhiều nên áo quan mới đóng vội “một áo quan đóng vội, một chuyến cuối phiêu du”.

Với người già ở quê, có cỗ hậu sự, chỗ đất chôn cất khi qua đời coi như là viên mãn một đời người. Thế nên mới hiểu tại sao khi có được chiếc áo quan trong nhà, bà tôi hay dì tôi vui lắm, thỉnh thoảng đi qua sờ mó, các cụ đồng tuổi đến chúc mừng, lũ trẻ chúng tôi chỉ biết đơn sơ đó là một cái hòm.

Bây giờ, tục đóng áo quan sớm để giữa nhà ở quê tôi đã không còn nữa vì mua áo quan dễ dàng hơn, lại có dịch vụ mai táng tận nhà. Bây giờ về quê, hiếm gặp gia đình nào để quan tài giữa nhà như xưa, hình ảnh xưa cũ chỉ còn là kỷ niệm thơ ấu.

Áo quan trong đời sống xưa

Trong cuốn “Đất lề quê thói”, nhà nghiên cứu Nhất Thanh bày tỏ việc đóng quan tài rất khoa học, tinh tế: “Quan tài còn có tên là cỗ thọ đường, cỗ áo dày, cỗ hậu sự, cái săng, cái hòm. Không biết ngày xưa ở miền Trung và miền Nam quan tài làm kiểu nào, ở đất Bắc người ta ghép thành đứng góc vuông, ván càng dày càng tốt, dày bằng 36 đồng kẽm xếp thành chồng là nhất (chừng hơn 7 phân tây). Ván đã dày, thành lại ghép vuông đứng rất vững chắc, có thể chịu đựng lâu ở dưới đất sâu”.

Theo nhà nghiên cứu Nhất Thanh, việc đóng quan tài rất cẩn trọng và vận dụng nhiều kinh nghiệm dân gian để bảo vệ xác ướp an toàn, sạch sẽ: “Giường bốn thước hai, quan tài bốn thước bảy”. Chiều dài chỉ vừa đủ một người nằm, bề ngang bao giờ cũng làm hẹp đúng sát hai vai, là dụng ý ép giữ không để cho xác trương to dễ dàng, chảy nước bốc hơi ra, người chết có hai vai rộng thì phải buộc gọn lại ngay sau khi tắt thở và phần nhiều xác phải thắt đại đái nơi trên xương hông, để giữ cho ruột hư thối không xảy ra… Quan tài sơn gắn rất kỹ, dưới lót nhiều bóng nẻ, trà bút khô, nước ở xác cho chảy ra cũng thấm đi hết. Người ta gắn nắp áo quan bằng sơn sống luyện với đất sét khô tán nhỏ, với bột nếp quấy nhựa xoan, rất kín và chắn, không có thứ keo nào thay thế được riêng cho việc này, để năm bảy ngày, nửa tháng, có nhà quàn trong đống cát ở ngoài vườn vài ba tháng mới làm ma vẫn không hề hấn gì”.

Chiếc quan tài nó cũng thể hiện địa vị của người giàu và người nghèo. Người ta thường đóng bằng gỗ vàng tâm, gỗ dổi, đây là 2 thứ gỗ bền dai, sơn không bong tróc. Hai đầu quan tài được trang trí bằng chữ “Thọ”. Nhà giàu nẹp chữ bằng thếp vàng, bạc, nhà bình dân thì đơn sơ hơn. “Sống mặc bài Bùi, chết vùi vàng tâm” là như vậy đó.

Nhà có chức sắc, giàu có sẽ đóng cỗ áo quan xa xỉ bằng gỗ Ngọc Am. Quan tài này thể hiện kẻ có tiền, địa vị trong xã hội và cái chết đôi khi là cơ hội cho kẻ sống “trang điểm” với cộng đồng về nỗi đau buồn của mình. Nên tại sao, nhiều gia đình người Việt làm đám tang rất cầu kỳ, xa hoa, lãng phí… đến tận bây giờ vẫn vậy. Người ta xây lăng mộ rất rộng lớn và tốn kém không thua gì một ngôi biệt phủ.

Thư thái chọn cái chết

Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc kỳ”, tác giả bác sĩ Hocquard đã có những quan sát tinh tế khi người dân đi mua áo quan cho mình trên phố cổ Hà Nội, ông cho rằng người sống đã chọn sẵn cho mình sự tươm tất một cách bình thản để chuẩn bị đi vào cõi chết.

“Khi đi dạo trong nội thành Hà Nội dọc theo bờ sông Hồng, qua phố Hàng Tre có rất nhiều cửa hiệu bán đồ gỗ, chúng tôi đến một phố nằm vuông góc với bờ sông, nơi có một trong những ngành nghề độc đáo nhất ở Bắc kỳ, đó là phố chuyên bán áo quan. Đây là một nghề có lợi nhuận rất cao ở An Nam. Ngoài việc không ai có thể sống thọ ở xứ này, người ta còn có tập tục sắm áo quan từ rất sớm để sẵn trong góc nhà. Món quà quý nhất mà một người con trai hiếu kính có thể dành cho cha mẹ mình vào ngày mừng thọ chính là một cỗ áo quan đẹp.

Với người châu Âu thì con phố này luôn mang lại cảm giác chẳng có gì vui vẻ, nhưng người ta thường bắt gặp ở đây hình ảnh cả một gia đình người An Nam dừng trước một cửa hiệu bán áo quan. Họ bàn bạc, xem xét rồi cùng vào xem hàng. Những người cao tuổi kiểm tra từng cỗ áo quan, soi xét chất lượng gỗ, độ dày của những tấm ván và tất cả cùng cười đùa vui vẻ như thể đang đi xem một món đồ gỗ thông thường.

Những cỗ áo quan của người An Nam có hình dạng hộp chữ nhật rất hẹp, được làm bằng những tấm ván rất dày và tránh tối đa những tấm có mắt gỗ. Các tấm ván phải được khớp với nhau thật hoàn hảo. Đó là điều kiện tiên quyết bởi thường xảy ra trường hợp có gia đình giữ thi hài của người quá cố trong quan tài để ở nhà tới 2 hoặc 3 tháng”.

Bác sĩ Hocquard còn cho biết thêm là bên cạnh bán áo quan, người ta còn bán đồ khâm liệm cho người quá cố, như những chiếc gối để kê chân và tay bằng giấy màu xám hình tam giác, những tấm vải được cắt sẵn cho các nghi lễ khâm liệm, những cuộn giấc bản mỏng để chèn vào những khoảng trống, nhựa trám đen để bịt tất cả các khe ván…

Trong cuốn tiểu luận về dân Bắc kỳ của nhà Việt Nam học người Pháp Gustave Dumoutier cho biết: “Quan tài gồm 4 tấm ván dày, những chỗ nối được trám bằng sơn ta. Nhà giàu có những quan xa hoa, sơn son thếp vàng. Và người con trai chăm lo chu đáo, phải lo mua sắm một chiếc quan tài làm quà biếu cha. Và, ít có nhà nào không thấy chiếc quan tài của người cha gia đình kê ở một góc”.

Theo phong tục người xưa thì chiếc quan tài của người chết còn có “bùa phép, chữa bệnh”. Vào lúc áo quan vượt qua ngưỡng cửa ra bên ngoài, người ta đưa qua đầu những đứa trẻ ốm yếu, còi cọc, để chúng hồi phục sức khỏe…

Có thể thấy, áo quan không phải là đồ trang trí trong nhà, nhưng nó lại cực kỳ quan trọng với người xưa. Nên người xưa coi cái chết là quy luật nhẹ nhàng nhưng nó cũng rất quan trọng đối với họ. Vì trong suy nghĩ, người ta vẫn cần một cái chết ấm áp, không lạnh lẽo, mà dân gian hay gọi là “mồ yên mả đẹp”.

Đọc thêm

An toàn du lịch vui Xuân, đón Tết Ất Tỵ

Du lịch Tết có nhiều chương trình hấp dẫn nhưng du khách cần đảm bảo an toàn cho bản thân. (Ảnh minh họa: Hà Phong)
(PLVN) - Tết Nguyên đán năm 2025, người dân được nghỉ liên tục 9 ngày, đây là thời gian nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn diễn ra. Bên cạnh việc vui chơi, trải nghiệm, tham quan các điểm đến hấp dẫn, du khách cần lưu ý đảm bảo an toàn để có một kỳ nghỉ trọn vẹn niềm vui.

Lo ngại các vụ đánh cắp cổ vật và đào trộm mộ cổ

Lăng mộ Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm. (Ảnh: N.Linh)
(PLVN) - Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại của các vụ đánh cắp cổ vật và đào trộm mộ cổ, gây tổn thất nghiêm trọng cho di sản văn hóa quốc gia. Việc bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, nhằm bảo tồn những giá trị lịch sử và văn hóa quý báu của dân tộc.

Nón làng Chuông - Hồn xưa trong hơi thở đương đại

Nón làng Chuông - Hồn xưa trong hơi thở đương đại
(PLVN) - Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, làng Chuông vẫn lặng lẽ gìn giữ hơi thở truyền thống qua từng chiếc nón lá tinh khôi. Từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân cao tuổi đến niềm đam mê cháy bỏng và tâm huyết của lớp nghệ nhân trẻ, mỗi chiếc nón nơi đây không chỉ là biểu tượng của văn hóa Việt Nam mà còn vươn ra thế giới, trở thành nhịp cầu kết nối hồn quê với bạn bè quốc tế. "Muốn ăn cơm trắng cá trê / Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông".

Nên cúng Công ông Táo 2025 vào ngày nào?

Những điều cần biết về Tết ông Công ông Táo năm 2025
(PLVN) - Ngày ông Công ông Táo là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa dân gian Việt Nam. Vào ngày này, dân dân thường làm lễ cúng đưa các vị thần bếp (ông Công, ông Táo) về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, sinh hoạt của gia đình suốt một năm qua.

longformNhững người gìn giữ "hồn" Rối Việt

Những người gìn giữ "hồn" Rối Việt
(PLVN) -  Múa rối nước - di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam, mang đậm hơi thở dân gian, đang đối mặt với nguy cơ mai một trong nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn những nghệ nhân và nghệ sĩ tận tâm, âm thầm thổi "hồn" vào từng con rối, duy trì và phát huy giá trị truyền thống, giúp nghệ thuật này tiếp tục lan tỏa.

“Expert Talkshow” về du lịch mạo hiểm và sứ mệnh bảo tồn Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng

 Cửa vào động Phong Nha đẹp như một bức tranh tuyệt diệu của tạo hóa. Ảnh: Minh Hòa
(PLVN) - Vào tối 13/1, Công ty Du lịch mạo hiểm Jungle Boss (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã phối hợp với Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng  tổ chức chương trình livestream đặc biệt “Expert Talkshow” (nói chuyện cùng chuyên gia) và lấy “Du lịch mạo hiểm và sứ mệnh bảo tồn Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng” làm chủ đề chính để bàn luận.

Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8 'Bóng Tình'

Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8 'Bóng Tình'
(PLVN) - Tác giả Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8, có tựa đề: 'Bóng Tình' với một sự cảm nhận về nhân tình thế thái, mối giao hòa cảm xúc giữa con người với con người, con người với cỏ cây hoa lá, con người với trời đất bao la mênh mông của vũ trụ...

Điểm danh loạt linh vật rắn Tết Ất Tỵ độc đáo ở các tỉnh thành

Linh vật rắn Ất Tỵ 2025 của một số tỉnh, thành đã "trình làng".
(PLVN) -  Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần, các tỉnh, thành trên cả nước đã bắt đầu trình làng những linh vật rắn độc đáo để chào đón năm mới. Không chỉ là vật trang trí cảnh quan, mỗi linh vật còn phản ánh sức sống mãnh liệt của địa phương, gửi gắm niềm tin và hy vọng vào một năm mới thành công.

Người ấy có gì đặc biệt?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Có người hỏi tôi: “Người ấy có gì mà cậu thương nhiều đến vậy?” Tôi chỉ mỉm cười, nhìn xa xăm rồi khẽ đáp: “Người chả có gì cả, chỉ là có được trái tim tôi mà thôi. Thương thì thương thôi, chẳng cần lý do gì.”

Những khúc ca mùa xuân đi cùng năm tháng

Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”. (Ảnh: TL)
(PLVN) - Những ngày giáp Tết thật rộn ràng bởi những khúc ca xuân. Trong đó, không thể nào thiếu những ca khúc bất hủ đã đi cùng âm nhạc Việt nhiều thập kỉ. Đó không chỉ là bản hòa ca của niềm vui, tình yêu mà còn là giai điệu của những kí ức hào hùng đẹp đẽ, của niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng.

Chộn rộn đón Tết làng - Tết phố

Đà Nẵng sẽ bắn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Ất Tỵ 2025. (Ảnh: Huỳnh Sơn)
(PLVN) - Những ngày giáp Tết, tại các tỉnh, thành, không khí đón Tết cổ truyền tràn ngập trên khắp mọi nẻo đường, thu hút du khách. Các chương trình, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Tết truyền thống được “trình làng” tươi vui, rộn rã đong đầy niềm hy vọng vào một năm mới Ất Tỵ hứng khởi, sung túc. Các lễ hội năm nay đa dạng hoạt động tái hiện mỹ tục cổ truyền ngày Tết, khơi dậy tình yêu đất nước và tôn vinh giá trị văn hóa, ẩm thực đặc trưng của mảnh đất hình chữ S.

Tết ơi, Tết à

Tết ơi, Tết à
(PLVN) - Từ ngày rằm tháng chạp, không khí Tết đã cận kề. Nhiều nhà đã lo chuẩn bị Tết sớm. Nhưng phải sau lễ cúng ông Công, ông Táo mọi nhà mới thực sự chuẩn bị tiễn năm cũ đón năm mới.

Sách Tết đong đầy hương vị mùa xuân

Các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn đến các ấn phẩm sách Tết được thiết kế tinh xảo, nội dung hấp dẫn. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Khi nhắc đến Tết, ta thường nghĩ đến mâm cơm đoàn viên, sắc mai đào khoe sắc hay những phong tục cổ truyền. Nhưng trong nhịp sống hiện đại, có một món quà tinh thần đang dần trở thành biểu tượng của mùa xuân: sách Tết. Đó không chỉ là những trang viết đơn thuần mà còn là hơi thở của Tết xưa hòa quyện với Tết nay, là những lát cắt tinh tế từ cuộc sống, văn hóa, nghệ thuật được gói ghém trong từng dòng chữ, trang giấy.