Mỗi năm Long An có khoảng 330-440 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi trẻ có dị tật bẩm sinh không phải tất cả đều tử vong ngay sau sinh mà sẽ tích lũy qua các năm, đóng góp vào tổng số những người tàn tật ngày càng tăng.
Nếu thai phụ được sàng lọc trước sinh kết hợp sàng lọc sơ sinh sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Ảnh minh họa |
Năm 2012, tổng kinh phí mà Tổng cục DS-KHHGĐ và địa phương hỗ trợ triển khai Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là trên 3 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án là tiếp tục tuyên truyền, phổ biến lợi ích của Đề án, nhằm nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho người dân; đảm bảo 70% trẻ sinh ra tại cơ sở y tế nhà nước được thực hiện kỹ thuật lấy máu gót chân đề thực hiện sàng lọc sơ sinh; đảm bảo 68% phụ nữ mang thai được siêu âm đẻ phát hiện dị tật thai nhi; đảm bảo 90% cán bộ dân số, y tế tham gia có kỹ năng tuyên truyền tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; có ít nhất 90% các bà mẹ mang thai được tiếp cận các thông tin tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Theo bà Trần Thị Liễu – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Long An, mỗi ca sàng lọc trước sinh được hỗ trợ 200.00đ cho hai lần đo độ mờ da gáy và khảo sát hình thái thai nhi. “Chúng tôi thực hiện cho 14.000 lượt thai phụ. Do đó tổng chi phí hỗ trợ cho các đối tượng sàng lọc trước sinh là 2,8 tỷ đồng. Với nguồn hỗ trợ này, số lượt thai phụ được thực hiện tại Long An cao hơn rất nhiều so với mục tiêu Trung ương giao”.
Theo báo cáo của ngành Dân số tỉnh, đến 6 tháng đầu năm 2012, tính theo dân số mục tiêu, số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh là 3.660 trẻ, đạt 32% so với kế hoạch. Tại các cơ sở kỹ thuật trong tỉnh, số trẻ em sinh ra được lấy máu gót chân là 3.827 trẻ, đạt 37,1% so với kế hoạch. Kết quả có 52 ca thiếu men G6PD (1,3%) và 1 ca tăng THS tại huyện Cần Giuộc (0,03%).
Bà Liễu chia sẻ thêm: Long An đã thiết kế một mẫu giấy giới thiệu sàng lọc trước sinh đặt ở các trạm y tế xã cho các thai phụ tại địa bàn được theo dõi thai. Khi tuổi thai đủ để đo độ mờ da gáy thì trạm sẽ gửi giấy này đến những nơi có thể tiến hành sàng lọc được. Đây cũng là cơ sở để quyết toán với Trung tâm DS - KHHGĐ. Do đó, chúng tôi đã quản lý và đưa được các đối tượng đi sàng lọc.
Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh còn hợp đồng với Bệnh viện Từ Dũ mua vật tư tiêu hao và thực hiện xét nghiệm sàng lọc sơ sinh thêm 1.500 mẫu nhằm đảm bảo các trẻ sinh ra tại cơ sở y tế Nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện sàng lọc.
Về siêu âm sàng lọc trước sinh, theo dân số mục tiêu thì số lượt thai phụ được sàng lọc trước sinh là 3.761 lượt, đạt 13,4%. Tại cơ sở kỹ thuật trong tỉnh, 2.649 lượt thai phụ đã được siêu âm sàng lọc trước sinh (9,5% kế hoạch), trong đó phát hiện 1 ca ở huyện Bến Lức bị dị tật, đã hướng dẫn thai phụ lên tuyến trên theo dõi và có hướng điều trị kịp thời.
Long An quyết tâm đến năm 2015 đảm bảo 100% số huyện trong tỉnh triển khai sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm; 30% số xã tỉnh triển khai sàng lọc sơ sinh; 80% phụ nữ có thai tại các huyện triển khai Đề án được sàng lọc trước sinh; 80% số trẻ sơ sinh tại các xã triển khai Đề án được sàng lọc sơ sinh.
Thu Nguyên