Tôi dành thời gian nghe qua mấy bài hát đó thì sự khiêu khích luôn là ý đồ hàng đầu của người sáng tác, cho tới hòa âm, biểu diễn. Lời tựa nếu đọc lái lại theo kiểu dân gian thì biết là đang nói về sex một cách vụng về, thiếu tinh tế.
Ca khúc Như cái lò, phần hòa âm, biểu diễn quá gợi dục, nội dung ca khúc quá nhạt nhẽo, tầm thường. Nó cũng giống như tư duy sáng tác trong bài Như lời đồn, ý tưởng gợi dục luôn được đặt lên hàng đầu.
Ví như ca khúc Thu dẩm, thực sự là nó không có sáng tạo gì đặc biệt về âm nhạc, lời ca thô lậu nói về một cô gái nghiện thủ dâm, cộng với hình ảnh hoạt hình minh họa theo kiểu truyện tranh sex của Nhật Bản. Ca khúc này đã có trên 2 triệu người nghe.
Sáng tạo về nhạc hạn chế, lời ca viết về sex quá đơn điệu, thô lậu, nhưng tại sao vẫn thu hút hàng triệu người xem. Đó chính là sự tò mò mà nhà sản xuất đã đánh vào thị hiếu công chúng.
Chúng ta phải thừa nhận là người Việt dù nặng nề về Khổng giáo, nhưng lại là đất nước lên Google tìm kiếm về sex nhiều nhất. Tỷ lệ nạo phá thai cao và có cả ở độ tuổi học sinh, lối sống thoải mái về sex đang khiến một xã hội hay nói chuyện đạo đức, trinh tiết, nhưng lại quá tự do quan hệ tình dục bừa bãi.
Đó phải chăng là sự “ẩn ức về tình dục” đã bị kìm hãm quá lâu và bây giờ đổi mới, còn người lao vào sex như điên dại, nên chuyện âm nhạc, giải trí khơi gợi về sex cũng không ngoại lệ.
Bảo Thiên, một người nghe đủ thể loại nhạc bày tỏ về dòng ca khúc gợi dục: “Nếu thực sự đã muốn hát ca bềnh bồng về tình dục, về tự do tình dục mà mỗi chữ "thủ dâm" còn không dám viết ra cho rõ, cho đúng thì tình dục nó trở thành thứ hài hước, phản tác dụng.
Cách nói lái trong bài hát đó là biết cái tâm sinh lý nữa mùa, lơ phơ con cá vàng của tâm lý người Việt khi nói về tình dục và tự do tình dục. Cho nên vì thế muôn đời ham muốn, đam mê, uẩn ức, bí bức và ám ảnh nhục dục nhưng cứ đụng đến nhục cảm, tình dục thì cứ xem như là đồ dơ dáy tận đáy đâu đâu để tỏ rõ chất "thanh tao của thánh nhân" mà chả làm gì đến nơi, đến chốn cả.
Nếu muốn một đời sống tình dục văn minh, sạch sẽ, đành hoàng, có trách nhiệm thì hãy cứ cởi mở và có quan điểm rõ ràng về tình dục, nhục dục. Cứ thế ắt sẽ thay đổi nhiều và lớn.
Hậu quả của nạo phá thai, sinh con ngoài ý muốn chính là cái bệnh của người Việt không dám nói về tình dục, nhưng ai cũng ham hố về nó, sân si trong đó mà không thoát ra được, gây bên những bi kịch đau lòng”.
NSND Nguyễn Quang Vinh – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: "Chúng tôi không thể kiểm soát hết được". Ông Vinh đã thẳng thắn thừa nhận có những lỗ hổng trong văn bản pháp quy hiện hành. Đó là lý do khiến những nhạc sĩ, ca sĩ lợi dụng lỗ hổng này để thực hiện hành vi câu khách cho sản phẩm âm nhạc mà không thể xử lý được.
Ông Vinh bày tỏ quan điểm: “Ca khúc được phát hành ở đâu, nơi đó có quyền xử lý. Cũng giống như người tham gia giao thông vậy. Gặp đèn đỏ nhưng người ta vẫn cứ đi, phải có người công an giao thông ở đó xử lý, người ta mới không dám vượt đèn đỏ. Mình đòi hỏi người dân chấp hành thành thói quen cũng hơi khó”.
Vinh giải thích thêm: “Chúng tôi kiểm soát được những album, sản phẩm âm nhạc hay liveshow ca sĩ có xin cấp phép. Tuy nhiên, chỉ với những sản phẩm âm nhạc xin cấp phép, chúng tôi mới cấp phép. Việc tự ý đăng tải MV hay ca khúc lên mạng nhưng không xin cấp phép là vi phạm.
Nhưng chúng tôi không thể kiểm soát hết được. Nếu những bài có nội dung tốt thì dễ được chấp nhận. Còn nếu nội dung không tốt thì các bên liên quan phải chịu trách nhiệm. Phía Bộ và Cục phải có sự phối hợp để quản lý và xử lý việc ca sĩ, nhạc sĩ đăng tải MV lên You Tube hay mạng xã hội.
Hiện tại chúng tôi đang xây dựng chính sách phối hợp. Hiện nay vấn đề chính vẫn là làm việc trên tinh thần cố gắng của cả hai cơ quan”.