Lời hứa đặc biệt của nữ thương binh U80

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng chục năm qua, tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Long Hưng A (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có một phụ nữ vẫn đều đặn bất kể nắng mưa đến quét dọn, thắp hương và “tâm sự” với những đồng đội cũ yên nghỉ nơi đây. Đó là nữ thương binh Đặng Thị Bảy (78 tuổi, ngụ xã Long Hưng A) đã và đang thực hiện lời hứa...

Tham gia cách mạng khi 13 tuổi

Đến chợ Nước Xoáy (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò) hỏi thăm bà Bảy bán vé số thì hầu như ai cũng biết. Người phụ nữ nhỏ nhắn, bàn tay bị co quắp, một tay cầm xấp vé số lê những bước chân khó nhọc do bị liệt nửa người đã quá quen thuộc với bà con nơi đây. Dù trời nắng hay mưa, người ta vẫn thấy bà rong ruổi trên các con đường bán vé số mưu sinh. Nói là mưu sinh vậy thôi chứ phần nhiều số tiền kiếm được từ việc bán vé số bà đều dành dụm để thực hiện một lời hứa...

Hàng ngày, dù mưa hay nắng, bà Bảy vẫn miệt mài mưu sinh với những tờ vé số.

Hàng ngày, dù mưa hay nắng, bà Bảy vẫn miệt mài mưu sinh với những tờ vé số.

Tháng 7 gợi nhớ nhiều kỷ niệm, tháng tri ân những người đã ngã xuống, giành độc lập, hòa bình cho đất nước hôm nay, trong đó có những đồng đội của bà. Bà Bảy từng là một nữ giao liên xông pha các mặt trận. Bà sinh ra và lớn lên trong gia đình có 8 anh em. Cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng gia đình bà một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, mong muốn góp công sức nhỏ bé của mình để nước nhà sớm thống nhất, bà Bảy tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi.

Do tuổi nhỏ và dáng người cũng nhỏ thó nên bà rất phù hợp và được đơn vị giao nhiệm vụ làm giao liên tại xã Long Hưng (nay là xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Năm 1964, bà được tổ chức tạo điều kiện cho đi học khóa y sĩ để phục vụ trong quân đội. Đến năm 1965, bà Bảy vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Bà Bảy kể: “Trong buổi lễ kết nạp Đảng, tui và các đảng viên hứa với nhau, đến ngày đất nước thống nhất, ai còn sống thì chăm lo phần mộ cho người đã hy sinh”.

Việc bán vé số mấy chục năm nay đã giúp bà có tiền tu bổ, chỉnh trang mộ của đồng đội ở nghĩa trang

Việc bán vé số mấy chục năm nay đã giúp bà có tiền tu bổ, chỉnh trang mộ của đồng đội ở nghĩa trang

Sau đó, Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trong trận đánh chiếm Đồn Gò Dầu (thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò), trên đường rút quân về Mương Điều (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò), đơn vị của bà bị pháo địch tập kích, nhiều người hy sinh.

Bà Bảy bị thương ở vùng đầu gây liệt nửa thân người, tay phải của bà bị co quắp, không thể cầm nắm được, bàn chân phải cũng co quắp, khiến bà đi lại rất khó khăn. Hiện trong đầu bà vẫn còn 3 mảnh đạn găm vào chưa lấy ra được. Bà được xếp hạng thương binh 1/4 với tỷ lệ thương tật 89%. Không thể tiếp tục cùng đồng đội tham gia chiến đấu, bà được tổ chức phân công làm nhiệm vụ tiếp tế quân y, làm y tá cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Sau giải phóng cho đến năm 1979, bà là Trưởng ban Y tế xã Long Hưng, sau đó nghỉ công tác do vết thương tái phát. Bà không lập gia đình mà cưu mang 3 người cháu ruột, sống bằng tiền trợ cấp thương binh và bán vé số dạo.

Bán vé số kiếm tiền tu bổ mộ đồng đội cũ

Gần 60 năm kể từ ngày đứng vào hàng ngũ của Đảng, lời hứa năm nào vẫn như in trong suy nghĩ của bà. Hằng ngày, trên đôi chân khập khiễng, bà vất vả bán từng tờ vé số, mỗi ngày bán được 150-300 tờ. Dù cuộc sống chẳng dư giả nhưng bà vẫn dành dụm để thực hiện lời hứa năm xưa với những đồng đội đã khuất, đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Long Hưng A. Năm 2010, biết tin UBND xã Long Hưng A tu sửa Nghĩa trang liệt sỹ, bà Bảy mang hơn 110 triệu đồng tích góp từ nhiều năm đi bán vé số đến gặp lãnh đạo xã đóng góp tiền chỉnh trang những ngôi mộ cho đồng đội.

Bà Bảy dâng hương tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh

Bà Bảy dâng hương tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh

Bà Bảy chia sẻ, lúc đó lãnh đạo xã rất bất ngờ vì không nghĩ một cựu chiến binh đi bán vé số lại tự nguyện góp số tiền lớn như vậy. Lãnh đạo xã thuyết phục bà nên giữ tiền lại để dưỡng già nhưng bà không đồng ý. “Số tiền này tui tiết kiệm trong gần 13 năm đi bán vé số dạo, dành dụm để thực hiện lời hứa với đồng đội năm xưa mà nên mấy chú phải nhận. Đó là tâm nguyện cuối đời của tui, không thực hiện được thì khi chết, tui không nhắm mắt được”, bà Bảy đã nói với lãnh đạo địa phương. Cảm động trước tấm lòng của nữ thương binh, đại diện UBND xã đồng ý tiếp nhận số tiền trên và dùng để tu sửa toàn bộ 144 ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sỹ xã Long Hưng A.

Không dừng lại ở đó, nhiều năm qua, ngày ngày bà đều đến quét dọn, lau chùi, thắp hương cho các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, trong đó có những đồng đội của bà đang yên nghỉ tại Nghĩa trang. “Đều đặn vào mỗi buổi tối, tôi đi bộ từ nhà đến nghĩa trang để thắp đúng 50 cây nhang lên bàn thờ Tổ quốc ghi công. Hằng năm, cứ đến dịp Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tôi lại dùng số tiền tiết kiệm từ việc bán vé số để mua hoa, trái cây cúng đồng đội và mua thêm cây kiểng trang trí cho nghĩa trang đẹp hơn. Tâm nguyện của tôi là đến khi nhắm mắt xuôi được vô nghĩa trang nằm cùng các đồng đội đã cùng tôi chiến đấu năm xưa", nữ cựu chiến binh tâm sự.

Nghĩa trang liệt sỹ xã Long Hưng A đã được trồng nhiều hoa kiểng, các phần mộ được ốp gạch khang trang hơn. Trong thời gian tới, bà Bảy mong có đủ tiền để ủng hộ lót gạch trong khuôn viên Nghĩa trang, để khu vực đồng đội bà yên nghỉ thêm sạch đẹp, thông thoáng.

Biết được hoàn cảnh và việc làm ý nghĩa của bà Bảy, nhiều người mua vé số ủng hộ bà.

Biết được hoàn cảnh và việc làm ý nghĩa của bà Bảy, nhiều người mua vé số ủng hộ bà.

Ông Dương Văn Huýt, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng A cho biết, thời chiến, bà Bảy chiến đấu kiên cường. Còn thời bình, bà sống nghĩa tình với đồng đội, xóm giềng, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ cũng như người dân trong xã học tập, noi theo. Bà là một thương binh có nhiều đóng góp tích cực, chung tay cùng địa phương tu sửa, chỉnh trang Nghĩa trang liệt sỹ của xã.

Hiện tuổi đã cao và sức khỏe của bà cũng yếu hơn xưa nhiều, người thân khuyên bà nghỉ ngơi nhưng bà kiên quyết không chịu. Khi đi bộ không nổi nữa, gần đây bà mới mua chiếc xe đạp điện để di chuyển thuận tiện hơn. Tâm niệm của bà là còn sống thì còn tiếp tục lo cho đồng đội để thực hiện trọn vẹn lời hứa năm xưa...

Đọc thêm

Quảng Bình cấm biển từ 18h chiều 6/9

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm (áo sọc) đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại TX Ba Đồn sáng nay 6/9
(PLVN) - Để đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền hoạt động trên biển, chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 3, tỉnh Quảng Bình cấm biển từ 18h chiều 6/9.

Người dân Nghệ An chủ động ứng phó bão số 3

Tàu đánh cá đã được ngư dân kéo vào bờ từ chiều 5/9 (Ảnh: Zen Linh).
(PLVN) - Nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản, chính quyền và người dân từ miền núi đến vùng biển tại Nghệ An đã khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 3.

TP Tam Kỳ công bố biểu trưng riêng

TP Tam Kỳ công bố biểu trưng riêng
(PLVN) - Ngày 6/9, tại Quảng trường 24/3, UBND TP Tam Kỳ tổ chức lễ công bố biểu trưng (logo) của thành phố và Công bố giải chạy Tam Kỳ Marathon “Hành trình về Đất Mẹ” năm 2025.

Hà Nội: Bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024

Quang cảnh cuộc họp.

(PLVN) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, đối với danh mục văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt phải ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô năm 2024 (sau đây gọi là Luật Thủ đô) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các đơn vị cần tuân thủ đúng thời gian trình UBND TP và HĐND TP xem xét theo quy trình, thủ tục rút gọn đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.