Cục trưởng Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh cho biết trong 8 tháng đầu năm xảy ra 54 sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Các chỉ số về an toàn bay đều tăng. Tuy nhiên con số trên, theo ông Thanh “chưa nói lên điều gì”, bởi trong hàng không chỉ cần xảy ra một sai sót nhỏ có thể dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Ông Thanh nhấn mạnh điều đáng lo ngại nổi cộm thời gian qua là số vụ gây mất an toàn bay do lỗi con người gia tăng. Cụ thể trong sáu sự cố đe dọa an toàn bay mức cao 8 tháng đầu năm đều có lỗi con người.
Điển hình như sự cố phi công tai nghe không tốt, kiểm soát viên không lưu hướng dẫn phi công Vietnam Airlines bay thì phi công Vietjet lại thực hiện huấn lệnh đó nên đã giảm phân cách độ cao, gây uy hiếp an toàn bay.
Kiểm soát viên không lưu cũng không phát hiện ra phi công Vietjet đã trả lời mình huấn lệnh đó. Vụ khác nữa là lỗi phi công nghe nhầm huấn lệnh nên đã cho máy bay lăn nhầm vào đường lăn.
Ngoài ra, sự cố hỏng cánh cửa máy bay Boeing 787 và vụ đuôi cánh máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines bị va vào cột đèn ở sân bay Tân Sơn Nhất bị rách đuôi, hỏng bánh lái; song không ai biết cho đến khi máy bay hạ cánh tại sân bay Vinh, là do lỗi từ quy trình kéo dắt máy bay, ý thức của nhân viên hàng không. "Phi công biết bị va chạm song vẫn cho máy bay bay bình thường, may mắn là máy bay vẫn hạ cánh an toàn",
Lãnh đạo Cục Hàng không lí giải, sự cố do lỗi con người gia tăng một phần bởi ngành hàng không nước ta đang phát triển “nóng” dẫn đến thiếu đồng bộ trong nguồn nhân lực, nhiều phi công chưa có ý thức chấp hành hiệu lệnh.
Bên cạnh đó phải kể đến nguồn nhân lực (chủ yếu phi công) chưa được đào tạo sâu, sau đó xảy ra chuyện “cò kéo” nhân lực giữa các hãng hàng không, cạnh tranh không lành mạnh.
Nhắc lại vụ việc nhân viên kĩ thuật tiếp tay cho nữ tiếp viên mang 3kg vàng lên máy bay sang Hàn Quốc hồi tháng 7, ông Thanh cho rằng đây là sự việc đe dọa nghiêm trọng đến an toàn bay. Bởi nếu mang được vàng trót lọt thì cũng có thể mang theo các vũ khí nguy hiểm khác lên tàu bay: “Nhân viên kĩ thuật không có nhiệm vụ, sao vẫn được lên vị trí tổ bay?”, ông nói.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đặt câu hỏi dự báo ngành hàng không sẽ tiếp tục phát triển “nóng”, vậy vai trò quản lý của nhà nước thế nào để đảm bảo hiệu quả kinh doanh nhưng vẫn an toàn.
Với an toàn hàng không, Phó Thủ tướng đề nghị cần có những dự báo và cảnh báo chính xác. Đặc biệt các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những hành vi đe dọa mất an toàn bay như tình trạng chiếu tia laze vào buồng lái máy bay, nếu xác định được lỗi cố ý phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó ngành hàng không cần chú trọng đến xem xét tư cách đạo đức của nhân viên khi tuyển chọn.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng: “Rồi sự cố bị tấn công mạng tại một số sân bay vừa qua, liệu có lặp lại không?”, Cục trưởng Thanh cho biết hiện nay ngành hàng không đã chuyển sang phương thức giám sát liên tục và đối chiếu chặt chẽ hơn. Đến hiện tại, hệ thống an ninh mạng liên quan đến quản lý, điều hành bay, là an toàn.
Thêm vấn nạn mất an toàn đường thủy
Mất ATGT đường thủy cũng là một “điểm nóng” trong cuộc họp, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang cho biết 7 tháng đầu năm cả nước xảy ra 50 vụ TNGT đường thủy, số vụ tai nạn có chiều hướng tăng.
Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do các tàu thuyền, xà lan tránh, vượt ẩu; số phương tiện không đạt chuẩn đang lưu hành. TNGT đường thủy tập trung chủ yếu vào nhóm phương tiện loại 3, 4 (nhà nổi, phương tiện không đăng kiểm, đăng kí).
Theo thống kê, cả nước có khoảng 7000 bến thuyền, trong đó hơn 2000 bến không phép hoặc trái phép. Đây là nơi neo đậu, xuất phát của các phương tiện không đảm bảo an toàn. Nguy cơ mất ATGT đường thủy khác là cả nước có hơn 250 vị trí cầu yếu nhưng chỉ mới gia cố được 20 vị trí do thiếu kinh phí.
Còn có tình trạng gây bức xúc dư luận là khai thác cát trái phép. Cả nước có khoảng 150 mỏ khai thác cát, mỗi mỏ có 15-20 phương tiện hoạt động. Việc khai thác cát kéo theo tình trạng chở quá tải, lưu thông ẩu, làm thay đổi dòng chảy, sạt lở đất gây nguy hiểm cho phương tiện đường thủy.
“Sắp tới Cục sẽ ứng dụng mạnh mẽ mạng xã hội vào quản lý để người dân phản ánh kịp thời sai phạm. Chúng tôi đang triển khai phần mềm chạy trên ĐTDĐ cho phép người dân chụp ảnh và gửi trực tiếp đến bộ phận chức năng, xử lý kịp thời”, ông Giang nói.
Bất cập trong quản lý giao thông đường thủy khác được Cục trưởng Giang nêu lên: Tinh thần làm việc “hời hợt” của một số chính quyền địa phương. Trong tháng 5 và tháng 7 đã hai lần Cục đã gửi văn bản về các địa phương yêu cầu thống kê số lượng bến tàu thuyền, nhưng đến tháng 9 mới chỉ có 33 tỉnh báo cáo.