Lộ nhiều bất thường tại BVĐK Hòa Bình từ ca mổ khiến cô gái trẻ 'thương thành tật'

BVĐK Hòa Bình, nơi xảy ra vụ việc
BVĐK Hòa Bình, nơi xảy ra vụ việc
(PLVN) - Trần Thị Lam (SN 1995, trú phố Phan Chu Trinh, TP Hải Dương) bị tai nạn xe máy và phải mổ chân. Ca mổ không thành công, Lam lâm cảnh “tiền mất tật mang”. Từ ca mổ này, hé lộ nhiều vấn đề bất thường xảy ra tại bệnh viện Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hòa Bình (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương)

Tiền mất tật mang

Bà Nguyễn Thị Trà (mẹ Lam) cho biết, cuối tháng 4/2018, Lam bị tai nạn xe máy, chấn thương vùng khớp gối phải. Ngày 29/4/2018, Lam vào BVĐK Hòa Bình (phố Phạm Xuân Huân, phường Hải Tân, TP Hải Dương) điều trị và được bác sỹ (BS) Vũ Văn Khoa thăm khám, tư vấn. 

Tại đây, BS Khoa chẩn đoán: Lam bị bong máng bám xương chày, đứt dây chằng chéo trước gối phải và tư vấn gia đình nhập viện cho Lam mổ với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Trong đó, chi phí cho việc yêu cầu Tiến sỹ Khoa mổ là 5 triệu đồng. Mổ xong, Lam được bó bột ở khớp gối phải. Ngày 7/5/2018, Lam được xuất viện. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, bệnh nhân mà ông Khoa mổ bị nhiễm trùng
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, bệnh nhân mà ông Khoa mổ bị nhiễm trùng

Một tháng sau, Lam tháo bột, phát hiện chân bị cứng khớp, không co duỗi được. Gia đình báo BS Khoa và đưa Lam vào bệnh viện để phục hồi chức năng. Nửa tháng sau, tình trạng của Lam vẫn không tiến triển. 

Người mẹ cho biết, Lam đi làm khoảng 10 ngày thì bị tai nạn. Nghĩ vết thương chỉ qua loa nhưng mổ xong, chân không co duỗi, đi lại được khiến mọi  sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng, Lam đành nghỉ việc. Người yêu cũng chia tay khiến cô gái rất buồn. “Là bố mẹ, thấy con như vậy, tôi xót xa lắm. Tương lai của nó bị ảnh hưởng, mù mịt, rơi vào bế tắc”, bà Trà tâm sự.

Bảng kiểm soát an toàn phẫu thuật của bệnh nhân
Bảng kiểm soát an toàn phẫu thuật của bệnh nhân

Bà Trà đã phải xoay sở, vay mượn nhiều tiền để chữa trị, mổ chân cho con một lần nữa tại Bệnh viện thể thao Việt Nam với hi vọng con gái có thể đi lại bình thường được. 

Ngoài thời gian điều trị, phục hồi chức năng tại bệnh viên, Lam luôn kiên trì, nhẫn nại tập đi cho sớm bình phục. Đến nay, trải qua gần một năm điều trị, việc đi lại, sinh hoạt của Lam đã khá hơn. Hiện, Lam vẫn đang tích cực điều trị, phục hồi chức năng tại một bệnh viện ở Hà Nội.  

Nhiều dấu hiệu “bất thường” 

Theo tìm hiểu của PV, ngoài Lam còn có nhiều trường hợp đến BVĐK Hòa Bình được chính BS Vũ Văn Khoa thăm khám, tư vấn nhưng sau đó cũng rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Điển hình là bà Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1965, trú phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) bị ngã đứt dây chằng, đau gối phải. Được người quen giới thiệu, ngày 14/8/2018, bà đến BVĐK Hòa Bình khám, điều trị và được BS Khoa mổ cho. Nhưng mổ xong, chân bà bị đau buốt, đi lại khó khăn và bị nhiễm trùng ổ khớp, hoại tử xương, phải mổ lại tại Bệnh viện Việt – Pháp mới có thể đi lại được. 

Bảng kê chi phí của ông Vũ Đình Sang, trong đó có thể hiện rõ phẫu thuật yêu cầu là Tiến sỹ (ngoại khoa)
Bảng kê chi phí của ông Vũ Đình Sang, trong đó có thể hiện rõ phẫu thuật yêu cầu là Tiến sỹ (ngoại khoa)

Trường hợp khác là ông Vũ Đình Sang (SN 1956, trú tại xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) nhập viện ngày 8/8/2018 với chẩn đoán gãy liên mấu chuyển xương đùi phải và cũng được BS Khoa mổ. Với khoản chi phí mổ không nhỏ nhưng đến nay, chân ông Sang vẫn bị đau nhức, đi tập tễnh, hai chân không cân bằng.

Ngoài ra, người nhà cụ Đoàn Kham (trú phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) cho biết, cụ gặp vấn đề ở phần cổ xương đùi. Do tuổi cao, sức yếu, nên các BS tại Bệnh viện hữu nghị Việt – Đức (Hà Nội) đã không mổ thay khớp háng mà nẹp đinh cho cụ. Về nhà, nẹp bị bung. Ngày 19/8/2018, các con đã đưa cụ đến BVĐK Hòa Bình để kiểm tra. Tại đây, BS Khoa tư vấn mổ thay khớp háng cho cụ nhưng mổ xong mấy ngày, sức khỏe yếu nên cụ đã qua đời. 

Thủ trưởng đơn vị và người nhận tiền có chung chữ ký
Thủ trưởng đơn vị và người nhận tiền có chung chữ ký

Mặc dù bệnh nhân và người nhà đều cho rằng BS Vũ Văn Khoa là người trực tiếp thăm khám và mổ nhưng căn cứ các tài liệu trong hồ sơ bệnh án, lộ nhiều dấu hiệu “bất thường”. Bởi trên hồ sơ, phía BV duyệt phẫu thuật và người ký tên với tư cách là BS phẫu thuật lại không phải ông Khoa.

Cụ thể, tại Phiếu phẫu thuật/thủ thuật; Phiếu đếm gạc, mèche, củ ấu, dụng cụ; phần tổng kết bệnh án; bảng kiểm soát an toàn phẫu thuật của 3 bệnh nhân trên đều thể hiện BS phẫu thuật là BS chuyên khoa II Trương Trọng Phương (Giám đốc BVĐK Hòa Bình). Riêng cụ Kham tại phần duyệt phẫu thuật, Bảng kiểm soát an toàn phẫu thuật, tổng kết bệnh án lại không ghi phương pháp phẫu thuật là gì.

Tại một số giấy tờ về việc chi tiền của bệnh viện như phiếu chi ngày 14/8 và ngày 21/8/2018 của Công ty cổ phần BVĐK Hòa Bình với đầy đủ chữ ký của thủ trưởng đơn vị, thủ quỹ, người lập phiếu, phần người nhận tiền, đều ghi rõ họ và tên là Vũ Văn Khoa với lý do chi "thanh toán tiền phẫu thuật thủ thuật". 

Trong đó, ngày 14/8/2018 chi thanh toán tiền phẫu thuật thủ thuật 9/8 - 13/8/2018 cho các bệnh nhân: Vũ Đình Khai, Vũ Đình Sang, Nghiêm Trọng Phượng, Trần Thị Liên số tiền 10 triệu đồng. Ngày 21/8/2018 chi thanh toán tiền phẫu thuật thủ thuật từ 19/8 – 20/8/2018 cho bệnh nhân Nguyễn Trọng Hòa, Hà Tuấn Nam, Đoàn Kham là 7,5 triệu đồng. Đáng nói, chữ ký của Thủ trưởng đơn vị và người nhận tiền lại trùng nhau.

Một phiếu chi khác
Một phiếu chi khác
Tại Bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh nội trú (đối tượng được hưởng 100%) ngày 17/8/2018 của ông Vũ Đình Sang ở phần “10. Chi phí khác” nêu rõ: Phẫu thuật yêu cầu Tiến sỹ (ngoại khoa) 5 triệu đồng. Số tiền này khớp với thông tin gia đình ông Quang phản ánh về việc mất 5 triệu đồng cho việc chọn Tiến sỹ Khoa. Vì sao lại có sự không đồng nhất ở thực tế và trong hồ sơ bệnh án?. Đây là điều dư luận rất quan tâm.

Ở một diễn biến khác, ông Đàm Minh Hồng, cổ đông của Công ty cổ phần BVĐK Hòa Bình, công tác nhiều năm tại đây cho biết, năm 2017, ông và vợ chồng ông Khoa có mua một số cổ phần để thành cổ đông của công ty này. Việc mua bán diễn ra theo hình thức “mua chui bán vụng” không thông qua Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty. 

Sau đó, ông Khoa và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Trang mua thêm cổ phần và vận động mọi người bầu bà Trang làm Chủ tịch HĐQT công ty. Ông Khoa “tự ý” về đây thăm khám, mổ cho bệnh nhân mà không thông qua ai. Bản thân ông Hồng là thành viên Ban giám sát HĐQT cũng không hay biết. Cổ đông phàn nàn, ý kiến với HĐQT nhưng không được giải đáp thỏa đáng. 

Trước những ý kiến phản ánh của bệnh nhân cũng như muốn làm rõ vai trò của ông Khoa tại BVĐK Hòa Bình, ông Hồng cùng nhiều cổ đông, thành viên HĐQT khác đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc điều tra, làm rõ.

Ngày 12/3/2019, Sở Y tế Hải Dương đã ra Quyết định số 160/QĐ-SYT về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập đoàn xác minh tố cáo. Theo đó, cơ quan này thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập Đoàn xác minh tố cáo đối với ông Vũ Văn Khoa, Phó trưởng khoa Khám xương và điều trị ngoại trú, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, hiện cư trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội và BVĐK Hòa Bình (TP Hải Dương).

Báo PLVN tiếp tục thông tin.

* Tên nhân vật đầu tiên đã được thay đổi.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.