Bát nháo các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài là một thực tế hiện nay. Hầu như trường ĐH nào dù mới thành lập cũng có vài chương trình liên kết đào tạo, cả chính thức lẫn... “chui”. Vì thế, không ít người chỉ cần bỏ ra vài ngàn USD, sau 2,3 tuần ngồi nhà là có ngay bằng tiến sỹ của... Mỹ.
Hình minh họa |
Làm Tiến sỹ từ chương trình... nghề
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Huy Bằng cho biết, Bộ vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với các 4 đơn vị ở TP.Hồ Chí Minh vì vi phạm hoạt động liên kết đào tạo. Các đơn vị gồm Công ty ILA Việt Nam, Công ty TNHH Dạy nghề đào tạo quốc tế Raffles Việt Nam, Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp - IABM và Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam - ERC Việt Nam.
Theo đó, Công ty TNHH ILA Việt Nam (ILA Việt Nam) bị phạt 65 triệu đồng do đã tuyển sinh trình độ CĐ theo chương trình của Martin College trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 2008 với 240 học viên (đến tháng 3/2011 chỉ còn 55 học viên).
Hiện 212 học viên đã tốt nghiệp được Martin College cấp bằng CĐ còn 23 sinh viên vẫn đang theo học, dự kiến tháng 3/2012 sẽ tốt nghiệp. Đồng thời, đơn vị này còn liên kết với Martin College Úc đào tạo tại Việt Nam chương trình CĐ quản lý của đối tác trên cơ sở bản thỏa thuận ghi nhớ giữa hai bên ngày 4/9/2008. Trên thực tế, ILA Việt Nam chỉ được hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề ngắn hạn.
Tương tự, Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam) chịu mức phạt 80 triệu đồng vì đã liên kết với Trường Australian Institute Of Business Administration PTY LTD (Úc) và hai trường University of Greenwich, University of Wolverhampton của Anh đào tạo trái phép các chương trình cử nhân, thạc sĩ (quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng và du lịch, quản trị kinh doanh tài chính) với 365 học viên (kể cả 139 học viên đang bồi dưỡng ngoại ngữ tạo nguồn). Thực tế, ERC Việt Nam chỉ được cấp phép đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp có quy mô tuyển sinh là 8 nghề với 20 học viên/khóa, 320 học viên/năm.
Công ty TNHH Dạy nghề đào tạo quốc tế Raffles Việt Nam bị phạt 75 triệu đồng do từ khi thành lập đến tháng 12/2011, đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo tích lũy tín chỉ, cấp chứng chỉ cấp 1 và cấp 2 thuộc chương trình CĐ của RCHE (Raffles College of Higher Education Singapore) và chuyển điểm sang RCHE để cấp bằng CĐ cho 202 học viên các ngành thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế truyền thông đa phương tiện.
Không những vậy, Raffles Việt Nam hiện còn đào tạo chứng chỉ cấp độ 1, 2 và 3 thuộc chương trình CĐ của RCHE và cử nhân của RCDC (Raffles College of Design and Commerce - Úc) cho 396 học viên trong khi về mặt pháp lý, Raffles Việt Nam chỉ được cấp phép đào tạo nghề với các nghề cụ thể: thiết kế nội thất, thiết kế tương tác Media, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, quy mô 100 học viên.
Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp - IABM dù chỉ được cấp phép tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT các ngành tài chính - kế toán và quản trị doanh nghiệp nhưng lại liên kết quốc tế (Malaysia) để đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, các lớp học đã kết thúc từ tháng 11/2010, quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Liên kết tồi, người học "lĩnh đủ"
Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, trừ IABM, còn lại 3 đơn vị trên phải dừng các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép các trình độ đã ký kết với đối tác nước ngoài trên lãnh thổ nước ta; trả lại kinh phí cho người học, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học và giải quyết hậu quả (nếu có). Đồng thời, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng cũng xem xét, không công nhận các văn bằng đã cấp cho học viên lỡ theo học những chương trình trái phép trên.
Từ thực tế trên có thể thấy, tới nay có ít nhất 112 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường trong nước với các trường ĐH nước ngoài được Bộ GD&ĐT cấp giấy phép. Đó là chưa kể đến vô số chương trình liên kết khác mà hai ĐH quốc gia cũng như các trường ĐH vùng được tự quyền liên kết. Việc liên kết đào tạo với các trường nước ngoài là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo của ta. Nhưng nếu không tỉnh táo, thiếu bản lĩnh thì vô tình hay cố ý du nhập đồ giả, đồ phế thải của kẻ lường gạt quốc tế.
Nghị định 18 của Chính phủ quy định Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước các cơ sở văn hóa - giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế Bộ GD&ĐT mới chỉ quản lý được những trường ĐH, CĐ thuộc sự quản lý của Bộ. Còn lại những chương trình liên kết diễn ra tại các trường thuộc sự quản lý Bộ, ngành khác và các trường được tự chủ trong cấp phép lại ngoài tầm quản lý của Bộ GD&ĐT. Thực tế là hiện Bộ GD&ĐT mới chỉ công khai được danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài do Bộ cấp phép.
Hiện cả nước có 5 cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ trong việc cấp phép cho các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bao gồm 2 ĐH Quốc gia và 3 ĐH vùng nhưng người học cũng không biết chính xác có bao nhiêu chương trình liên kết được cấp phép từ các cơ sở này và chất lượng ra sao. Đó là lý do trong một thời gian dài ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện chương trình liên kết với trường ĐH Irvine (Mỹ) kém chất lượng mà không ai biết vì học viên đều tin tưởng vào uy tín của một ĐH lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội.
Và cho tới nay, khi bằng cấp không được công nhận, cũng chưa có người học nào được hoàn trả học phí và đành ngậm ngùi “tiền mất, tật mang”...
Nhiều trường giả đang len lỏi vào Việt Nam PGS.TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) là người từng lên tiếng mạnh mẽ về chất lượng của các trường, các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài đã có những trao đổi thẳng thắn với PLVN về vấn đề này... Hiện nay để tiết kiệm chi phí, xu hướng du học trong nước đang nở rộ. Thực trạng này ra sao, thưa ông? Giáo dục hiện nay không có biên giới. Học sinh, sinh viên đi du học các nước và tại các trường ngoại ở Việt Nam cũng là điều bình thường. Hiện ở Việt Nam có trường chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH liên kết trong nước không dám cam kết vì họ không làm được. Hiện nay, ta chưa kiểm soát được trường liên kết. Tôi không khẳng định tất cả các trường liên kết đều rởm. Nhưng liên kết kiểu đó nhìn chung là rủi ro tăng lên rất nhiều. Bằng cấp của những trường này chỉ là hai bên ký với nhau, chứ không được trường ở bên nước đó chấp nhận, không được quốc tế công nhận mà chỉ dùng được ở Việt Nam. Các chương trình giảng dạy mang từ nước ngoài về cũng không đảm bảo giữ được chất lượng như ở nước đó. Muốn chất lượng ngang bằng, phải đầu tư lớn cho tài liệu, sách giáo khoa, phương pháp dạy, tập huấn cho giảng viên, tập huấn cho quản lý. Các trường ở Mỹ được kiểm định, được công nhận, người ta mới dám học. Mỹ có 1.500 trường có được sự công nhận đó. Cũng một lượng như vậy là các trường chất lượng rất kém, rất thấp, nên kể cả bằng TS trường đó cấp, chất lượng cũng thấp. Chính vì vậy, việc nhận mặt và hạn chế sự xâm nhập của trường giả vào nước ta hiện nay cần được xác định là một yêu cầu vào loại hàng đầu khi mà những trường này đang tìm cách len lỏi vào Việt Nam. Hiện nay, nhiều cán bộ của ta đã và đang học các trường này độ vài chục ngày để lấy bằng TS. Việc ta phải làm là kiểm định và công bố cho người dân biết những trường nào không đủ tiêu chuẩn thì lại không làm. Như vậy, chúng ta đang bất cập, lỏng lẻo trong khâu quản lý? Quản lý của ta quá kém, nếu làm chặt chẽ, dứt khoát cơ quan chức năng buộc các trường phải cam kết kiểm định, không phải tổ chức tạp nham mà phải do tổ chức có uy tín thực hiện. Không yêu cầu chất lượng đào tạo tại các trường ngoại, trường liên kết ở Việt Nam cao hơn ở nước cụ thể nào đó, nhưng điều kiện thực hiện phải ngang bằng, từ đó giá trị văn bằng ở Việt Nam cũng ngang bằng ở nước đó. Rất ít trường ĐH nước ngoài liên kết với Việt Nam dám đảm bảo những điều như vậy. Ở Việt Nam, ta đã có chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao như ở ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông Vận tải. Chương trình này được yêu cầu chất lượng đào tạo phải có giá trị ngang với chất lượng tại các trường lớn của Pháp. Ai tốt nghiệp chương trình này thì bằng cấp đó được quốc tế công nhận. Tiêu chí giảng dạy phải theo tiêu chí của trường Pháp. Ta đã làm rất tốt chương trình này. Tuy nhiên, với cách quản lý yếu kém như hiện nay thì rất khó có cơ sở đánh giá chất lượng thực sự của các trường liên kết khác. Xin cảm ơn GS! Nguyệt Thương (thực hiện) |
Uyên Na