Theo AFP, lệnh cấm kéo dài trong 90 ngày đối với những hành khách từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, và 120 ngày với người tị nạn có hiệu lực từ 20h00 ngày 29/6 (giờ Bờ Đông của Mỹ, 0h00 GMT ngày 30/6). Lệnh cấm lần này sẽ cho phép một số trường hợp ngoại lệ là những người có mối quan hệ gia đình thuộc diện gần với những người đang sống tại Mỹ.
Theo hướng dẫn thực thi lệnh cấm do Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành, mối quan hệ gia đình gần gũi được xác định là các mối quan hệ cha/mẹ, chồng/vợ, con nhỏ, con trai/gái trưởng thành, con rể, con dâu hoặc anh/chị/em ruột ở Mỹ. Mối quan hệ gia đình gần gũi theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Mỹ không bao gồm các quan hệ ông, bà/cháu; chú, bác, dì/cháu; anh, chị em dâu/rể, chồng chưa cưới và các mối quan hệ gia đình mở rộng khác.
Bên cạnh đó, một số người có mối quan hệ chính thức với một công ty của Mỹ, như người được đề nghị làm việc, được nhận theo học hay giảng dạy ở các trường đại học cũng vẫn sẽ đủ tiêu chuẩn để được cấp thị thực trong thời gian lệnh cấm có hiệu lực. Song, việc giữ chỗ ở khách sạn sẽ không là một tiêu chí trong điều khoản loại trừ của sắc lệnh.
Sau khi vấp phải nhiều chỉ trích nặng nề về việc xử lý không thỏa đáng nhiều trường hợp tới Mỹ khi lệnh cấm được công bố hồi tháng 1 vừa qua, Bộ An ninh nội địa Mỹ lần này cam kết sẽ đảm bảo thực thi sắc lệnh một cách trơn tru. Bộ này nhấn mạnh, những người có thị thực có giá trị được cấp trước khi lệnh cấm có hiệu lực sẽ vẫn được chấp thuận nhập cảnh vào Mỹ và tất cả những người tị nạn đã được phép nhập cảnh và mua vé cho chuyến đi trước ngày 6/7 cũng sẽ được phép tới Mỹ.
“Chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ diễn ra bình thường ở tất cả các cảng nhập cảnh khu lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho việc này”, một quan chức Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết trước thời điểm sắc lệnh của ông Trump có hiệu lực.
Dù vậy nhưng trước giờ lệnh cấm có hiệu lực, một số nhà hoạt động vì quyền của người nhập cư và luật sư cũng đã có mặt ở Sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York và một số sân bay khác để đảm bảo rằng những người có thị thực hợp lệ từ 6 nước nói trên được phép nhập cảnh vào Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Trump nói rằng lệnh cấm tạm thời là cần thiết để đối phó với những mối đe dọa từ những phần tử cực đoan. “Những sự kiện gần đây cho thấy chúng ta đang sống ở một thời kỳ nguy hiểm và Chính phủ Mỹ cần phải có mọi công cụ sẵn có để ngăn chặn những phần tử khủng bố vào nước Mỹ và gây ra những hành động bạo lực đẫm máu”, một quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh.
Việc lệnh cấm nói trên được thực thi, dù vẫn bao gồm một số quy định loại trừ, được nhiều người xem là một chiến thắng chính trị của ông Trump sau khi các tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ đã 2 lần ngăn chặn sắc lệnh của ông này với lý do sắc lệnh vi phạm các quy định của hiến pháp Mỹ về tôn giáo và vượt quá thẩm quyền của tổng thống.
Tuy nhiên, những nhà vận động vì người nhập cư cho rằng lệnh cấm này đã loại bỏ một cách bất hợp pháp những người theo đạo Hồi. Ngay trước khi lệnh cấm có hiệu lực, một số bên phản đối đã chuẩn bị cho những cuộc chiến pháp lý mới. Đêm 29/6, Hawaii đã yêu cầu Thẩm phán Tòa án liên bang Derrick Watson làm rõ phạm vi của lệnh cấm ở bang này và đặc biệt là những người thuộc diện loại trừ. “Ở Hawaii, “gia đình gần” bao gồm nhiều người mà chính phủ không đưa vào diện loại trừ. Việc định nghĩa như vậy có thể vi phạm phán quyết của Tòa án Tối cao”, Chưởng lý Douglas Chin nói trong một tuyên bố.
Cô Rama Issa, Giám đốc điều hành của một công ty ở New York, nói rằng Chính phủ Mỹ đang định nghĩa lại gia đình là gì. “Tôi được ông bà nuôi nấng nên ý tưởng ông bà không phải là một phần của gia đình rất lạ lẫm với tôi. Tôi chuẩn bị kết hôn nhưng những người thân như chú, dì mà tôi vốn rất muốn họ dự đám cưới của mình sẽ không thể đến đây”, cô nói.