Lập đề án, tập trung xử lý các dự án còn vướng mắc

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Chính phủ đã lập một đề án, tập trung vào 4 TP đang có gần 2.000 dự án còn vướng mắc, đưa ra các phương án để xử lý và đề xuất các cấp có thẩm quyền.

Thông tin trên được Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đưa ra tại phiên họp sáng nay - 28/10 của Quốc hội, thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

"Cơn sốt đất tràn cả về nông thôn"

Chính sách về đất đai là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp. Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô khiêm tốn, dễ chịu tổn thương về những biến động của thế giới.

“Cộng đồng doanh nghiệp chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự gián đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, chi phí đầu vào tăng mạnh, chỉ tính riêng chi phí logistics của Việt Nam đã chiếm khoảng 20% GDP, gấp đôi so với các nước tiên tiến. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng năm 2022 vẫn tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2021”, đại biểu nói.

Để giải “bài toán” làm thế nào các doanh nghiệp chuẩn bị được sức khỏe, hạn chế tác động từ bên ngoài và phát triển vững mạnh, trở thành nòng cốt cho phát triển kinh tế, đại biểu đề xuất một số giải pháp.

Một là, cần tập trung ưu tiên tháo gỡ rào cản, nút thắt về thể chế, đặc biệt là 2 chỉ số kém cạnh tranh nhất, là hoạt động của khu vực công và quyền tài sản, bao gồm cả sở hữu trí tuệ và chất lượng hành chính, đất đai nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, gia tăng niềm tin của doanh nghiệp và dân chúng.

“Cần thay đổi tư duy cải cách thể chế theo hướng đồng hành, hỗ trợ, coi doanh nghiệp là đối tác thay vì đối tượng bị quản lý. Từng bước chuyển sang giai đoạn quản trị, hoàn thiện các yếu tố then chốt như cơ sở dữ liệu thống nhất, nguồn lực con người, chính sách thực thi để xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Tăng cường chất lượng dịch vụ công, cập nhật khung pháp chế về thể chế mạnh nhằm đảm bảo quyền và tài sản sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi cho việc thương mại hóa và lý tưởng kinh doanh”, đại biểu nói.

Hai là, xây dựng các chính sách đặc thù, nhất quán về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm khơi dậy sức mạnh nội lực của khối doanh nghiệp nội địa, đủ khả năng trở thành đối trọng, đối tác, những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất cung ứng đối với khối FDI; qua đó thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, tạo thế cân bằng giữa các thành phần kinh tế.

Ba là, xây dựng và đảm bảo tính ổn định, tiếp tục của chuỗi giá trị và cung ứng bằng cách tập trung vào thị trường, đổi mới sáng tạo, gia tăng tỷ lệ nguồn cung nội địa và chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Cần rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch và cơ chế chính sách đặc thù của các địa phương để tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu nhằm chủ động về nguyên liệu”, đại biểu kiến nghị…

Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần điều hành linh hoạt chính sách tài khóa tiền tệ, bám sát với tình hình thực tiễn, hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế phục vụ cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; tập trung đồng bộ về thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực hướng tới chuyển đổi số thành công mạnh mẽ hơn.

Có chung băn khoăn về vấn đề tích tụ đất đai, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho rằng, trong thời kỳ khó khăn của đại dịch COVID-19, lĩnh vực nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế. Song, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng mức tăng chung của cả nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu đề cập đến một số vấn đề như thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn; vật tư nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững; việc tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn…

Đại biểu cho rằng, hiện nay, cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa.

Cùng với đó là tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã ly hương, đề phòng bất trắc, coi đất đai như một cuốn sổ bảo hiểm.

“Người nông dân thì cứ giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thì thiếu đất sản xuất, kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là tại sao quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất lại diễn ra chậm chạp như vậy? Tại sao người nông dân lại không nhận ra hiệu quả thấp và chi phí cao của việc ruộng đất phân tán, manh mún và tại sao người nông dân lại không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất? Có rất nhiều nguyên nhân cho câu trả lời của các câu hỏi trên, song, phải chăng nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì bắt đầu từ thể chế của chúng ta đang còn những nút thắt, lực cản?”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, để phát triển mô hình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của trình độ sản xuất ngày càng cao đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chiến lược.

Nhấn mạnh việc tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, đại biểu cho rằng, chính sách mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất nhưng để tháo gỡ một cách thực chất và đồng bộ các điểm nghẽn, cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp hợp tác xã.

“Cùng với sự quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai là những giải pháp quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là cư dân ở khu vực nông thôn”, đại biểu nói.

Đã giải quyết được trên 10.000 ha đất dự án chậm tiến độ, treo

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, quản lý đất đai là vấn đề hết sức quan trọng.

Đề cập đến tình trạng lãng phí đất đai do các dự án chậm tiến độ, dự án treo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trước đây, có 28.155 ha đất vướng dự án chậm tiến độ hoặc treo. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã giải quyết được trên 10.000 ha, hiện nay còn hơn 18.000 ha.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường, là do chậm giải phóng mặt bằng, các quy hoạch đang thay đổi, các nhà đầu tư đã lựa chọn là các nhà đầu tư kém năng lực nên không đầu tư được, pháp luật đất đai và các pháp luật có liên quan có những khoản chồng chéo…

Về giải pháp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với các dự án hiện tồn tại vướng mắc, khó khăn trong lịch sử, Chính phủ đã lập một đề án, tập trung vào 4 TP đang có gần 2.000 dự án đang vướng mắc, đưa ra các phương án để xử lý và đề xuất các cấp có thẩm quyền.

“Thời gian tới những vấn đề lớn sẽ báo cáo với Bộ Chính trị, xin Bộ Chính trị giao cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.

Đề cập đến việc sửa Luật Đất đai, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu.

Nhưng từ nay đến năm 2024, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nên ban hành các nghị quyết của Quốc hội, nếu đó là thẩm quyền của Quốc hội hoặc nghị định của Chính phủ nếu là thẩm quyền của Chính phủ, để giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay.

Đối với các vấn đề liên quan đến địa phương, cần đưa ra cơ chế giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc đối với 4 tỉnh, TP thuộc Đề án, sau đó sẽ xem xét để tính toán đối với các địa phương khác trong cả nước.

“Tất nhiên phải bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của Nhà nước; không để lợi dụng hợp thức hóa những sai phạm; không làm ảnh hưởng đến bên thứ ba ngay tình, tức là liên quan đến các dự án hiện nay ảnh hưởng đến hàng nghìn các hộ dân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Liên quan đến việc lợi dụng trong các chính sách đất đai, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Đất đai lần này sẽ tập trung rất cụ thể vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, định giá đất.

“Hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường thông tin.

Thừa nhận khung giá, bảng giá đất hiện nay không sát thị trường, 5 năm mới điều chỉnh một lần, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra các vấn đề khác như cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, giá đất được thu thập không đầy đủ, thiếu chính xác.

“Lần này sẽ thay đổi cơ bản phương pháp định giá trên cơ sở xây dựng những điều kiện khác để thực hiện như các cơ sở dữ liệu về đất đai bao gồm giá đất, quy định về các hợp đồng, chế định trách nhiệm phải qua sàn giao dịch và đăng ký đối với người dân. Tất cả những vấn đề đó chúng ta sẽ làm”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, những nội dung này không thể thực hiện được bằng thông tư mà phải có sự thay đổi từ trong luật.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.