Tham dự buổi đối thoại có ông Nguyễn Xuân Thanh - Thành Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa; ông Đoàn Việt Bách - Thành Ủy Viên, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy cùng lãnh đạo các phòng ban TP Biên Hoà.
Buổi đối thoại nhằm phổ biến rộng rãi cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm lo, phát triển thanh niên. Qua đó, tạo điều kiện để cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên bày tỏ nguyện vọng, sáng kiến, kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao trên địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Thanh - Thành Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa phát biểu tại buổi đối thoại. |
Nhiều vấn đề tại buổi trao đổi được quan tâm như: chính sách hỗ trợ liên kết giữa các đơn vị đào tạo nghề và các doanh nghiệp tại địa phương, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác giáo dục đào tạo, các chính sách được hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp…
Trao buổi đối thoại, đại diện Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội TP Biên Hoà cho biết, kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp mỗi năm đạt từ 2,1 - 2,4 triệu học sinh ở tất cả các hệ, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2020, tuyển sinh đạt gần 20 triệu người, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh mới.
Nhiều vấn đề tại buổi trao đổi được thanh niên các phường quan tâm. |
Với định hướng phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực, đến nay, việc gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, đảm bảo chất lượng thực tế. Khoảng 80% số học sinh ra trường có việc làm đúng nghề, thậm chí có những ngành nghề ngay trong khi đào tạo đã được doanh nghiệp tuyển dụng có trả lương.
Tuy nhiên, hiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết, trong đó phải kể đến 3 tồn tại chính đó là năng lực tự chủ của các trường; sự phối hợp với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ; các điều kiện đảm bảo sự thích ứng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với sự thay đổi của công nghệ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng xác định, tăng cường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động là một trong những giải pháp trọng tâm trong năm 2023 để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, sẽ triển khai đào tạo thí điểm chương trình đào tạo cho các ngành, nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động; hợp tác với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa…
Đối với thanh niên đi xuất khẩu lao động, thực tập sinh ở nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc… khi về nước là những lao động có tay nghề, có kỹ năng, UBND thành phố phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai tiếp tục tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho lao động trở về từ nước ngoài.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Xuân Thanh - Thành Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa ghi nhận những ý kiến trao đổi, đóng góp của các đoàn viên. Những đóng góp này đã được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trao đổi thẳng thắn, cơ bản giải quyết được một số vấn đề mà thanh niên quan tâm, tạo sự đồng thuận cao.
Ông Thanh đề nghị tổ thư ký tổng hợp, ghi lại tất cả thông tin để tham mưu UBND thành phố ban hành thông báo kết luận; đồng thời, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình chủ động rà soát và báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, xử lý các vấn đề mà đoàn viên, thanh niên đang quan tâm.