Đối thoại trực tiếp
Mới đây - ngày 26/7, ông Nguyễn Văn Quang (Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình) đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân hai xã Hợp Thịnh và Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi của Công ty Cổ phần khai khoáng Sahara và Công ty TNHH xây dựng Hùng Yến. Đây cũng là hai công ty khai thác cát gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân vào tháng 6/2017.
Theo báo cáo tổng hợp của Ban Tiếp công dân UBND tỉnh Hòa Bình, các ý kiến, kiến nghị của công dân hai xã tập trung vào 4 nội dung chính như: Việc UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi cho hai công ty có đúng trình tự, thủ tục hay không? Đề nghị xác định rõ ranh giới, mốc giới giữa diện tích doanh nghiệp được cấp phép khoanh vùng khai thác với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân? Đề nghị UBND tỉnh rút giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp. Nếu đồng ý để DN tiếp tục khai thác làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, gây ra tình trạng sạt lở đất thì trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức nào?
Trước đó, vào khoảng giữa tháng 5/2017 đến giữa tháng 6/2017, hàng chục tàu và xà lan hút, chở cát cả ngày lẫn đêm tại khu vực hạ lưu sông Đà (thuộc địa bàn hai xã Hợp Thành và Hợp Thịnh) đã dẫn đến tình trạng sạt lở hai bên bờ sông. Bức xúc trước tình trạng trên, người dân địa phương đã phản ánh thông tin tới các cấp chính quyền và các cơ quan báo chí. Ngay sau khi làm rõ việc khai thác cát rầm rộ gây ảnh hưởng tới đời sống người dân, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra làm rõ. Các hoạt động khai thác cát của hai Công ty Hùng Yến và Sahara đã bị dừng lại.
Nếu còn vi phạm sẽ tước giấy phép hoạt động
Tại buổi đối thoại, đại diện các sở, ngành chức năng và lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đã trả lời những vấn đề mà người dân đưa ra. Trong đó, việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát bảo đảm các quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác cát, các doanh nghiệp đã sai phạm các quy định về khai thác. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác định hành vi, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
UBND huyện Kỳ Sơn cũng yêu cầu hai công ty di chuyển mốc giới về mỏ đúng vị trí, di chuyển toàn bộ tàu thuyền ra khỏi địa bàn hai xã Hợp Thành, Hợp Thịnh; nghiêm túc chấp hành tạm dừng hoạt động khai thác từ ngày 22/5/2017 tới hết ngày 31/7/2017. Hai công ty được hoạt động khai thác trở lại từ ngày 1/8/2017 theo các giấy phép đã được cấp, tuy nhiên phải đảm bảo theo đúng quy định pháp luật và không để ảnh hưởng tới đất canh tác của nhân dân trên địa bàn, các công trình phúc lợi công cộng khác…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang (Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình) tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của người dân. Khẳng định việc cấp phép cho hai công ty về hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Đà đã đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Vi phạm của hai công ty trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân trên địa bàn. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý còn thiếu chặt chẽ, không kịp thời, đã để vi phạm diễn ra trong nhiều ngày mới xử lý được. UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo nghiêm khắc kiểm điểm đối với các cơ quan, tổ chức liên quan.
Ông Nguyễn Văn Quang yêu cầu: Hai công ty chỉ được phép khai thác trở lại khi tuân thủ các nội dung sau thực hiện nghiêm túc phạm vi, mốc giới, thời gian khai thác… Công ty Hùng Yến được sử dụng 1 tàu hút có đăng ký theo đúng quy định, không quá 6 xà lan vận chuyển (trọng tải 300 tấn/1 xà lan), công suất và tải trọng không được vượt quá công suất và tải trọng thiết kế và thiết kể mỏ đã được phê duyệt; thường xuyên không được đỗ quá 3 xà lan kể cả sửa chữa. Đối với Cty CP khai khoáng Sahara, được sử dụng 1 tàu hút, không quá 10 xà lan vận chuyển và không được đỗ quá 3 xà lan kể cả sửa chữa.
Về thời gian khai thác chỉ được phép khai thác từ 6h - 18h cùng ngày, ngoài thời gian trên, không được phép hoạt động kể cả sửa chữa, tránh gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân.
Khi khai thác phải thả phao khai thác đúng theo tiêu chuẩn để nhân dân tiện giám sát, kiểm tra. Lượng tàu, ký hiệu tàu và thả phao khai thác phải được công khai để nhân dân biết. Nếu hai công ty vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật mà mức cao nhất là tước giấy phép hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Quang yêu cầu tổ công tác liên ngành chốt tại địa bàn xã Hợp Thịnh phải hoạt động 24/24h và đồng ý phương án xây dựng trạm tại xã Hợp Thịnh, địa bàn sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng xã lựa chọn địa điểm. Xây dựng cơ chế, thiết lập đường dây nóng để nhân dân phản ánh kịp thời và cùng tham gia giám sát. Nếu có sai phạm phải báo cáo và xử lý ngay trong ngày. Ông Quang cũng giao nhiệm vụ cho hai Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đánh giá lại trữ lượng để xác định trữ lượng từ đó điều chỉnh theo hướng giảm thời gian khai thác, để đảm bảo tài nguyên và đời sống của nhân dân.
Ông Quang nói: “UBND tỉnh Hòa Bình sẽ thường xuyên chỉ đạo, xử lý tất cả các thông tin mà nhân dân nêu, đảm bảo việc khai thác vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo đời sống của người dân”.