Nhiệm vụ tiến hành công cuộc di dân, tái định cư có tổ chức lớn nhất ở nước ta đến thời điểm hiện tại cho công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam - Nhà máy Thủy điện Sơn La - là một thách thức to lớn cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân Sơn La.
Nếu hiểu được “một tý cái tình”
- Xin ông cho biết, ưu điểm, khuyết điểm tác động đến sự thành công của việc di dân cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La mà không phải dùng đến biện pháp cưỡng chế?
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng |
Đồng bào các dân tộc Sơn La luôn nói “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Nếu hiểu được “một tí cái tình” đó thì sẽ nghiên cứu và ban hành được các chính sách hợp lòng dân. Cùng với đó là thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thì chắc chắn không chỉ công tác di dân, tái định cư ở công trình Thủy điện Sơn La, mà ở các công trình xây dựng khác trong cả nước cũng sẽ thành công tốt đẹp.
Thông qua công tác dân vận, người dân hiểu được rằng Nhà máy Thủy điện Sơn La được xây dựng cho chính họ, hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với công trình này nên có sự đồng thuận, nhất trí cao, ủng hộ và thực hiện đúng các qui hoạch, kế hoạch và qui trình để công tác di dân, tái định cư được tiến hành thuận lợi.
Qua thực tiễn 6 năm thực hiện “nhiệm vụ lịch sử” được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, cấp ủy và chính quyền Sơn La đã nâng được một bước năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của hệ thống chính trị trong công tác dân vận.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về những biện pháp mà cấp ủy và chính quyền Sơn La đã thực hiện để có thể thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện di chuyển khỏi nơi ở cũ đến quê mới?
Để xây dựng cơ chế quản lý và chính sách phù hợp cho công tác này, Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành làm thí điểm mô hình di dân, tái định cư Tân Lập (Mộc Châu) và Nà Nhụng (Mường Chùm, Mường La), được nhân dân bàn bạc dân chủ và tự nguyện lựa chọn mô hình tái định cư thích hợp là Nà Nhụng.
Theo đó, Nhà nước không xây dựng nhà ở cho dân mà hỗ trợ tiền để dân tháo dỡ nhà cũ và bổ sung vật liệu xây dựng lại nhà tại nơi ở mới, huy động được sức dân, rút ngắn thời gian làm nhà và di chuyển, bỏ được các chi phí trung gian và tiết kiệm được tiền cho các hộ dân...
Ngoài ra, chúng tôi còn làm đường giao thông công vụ để di chuyển dân và tài sản, giải quyết sớm đất đai cho các hộ tái định cư. Tổ chức cho nhân dân đến thăm địa điểm tái định cư, nhất trí hướng bố trí nhà ở và tự nguyện ký cam kết di chuyển mới san ủi nền nhà và đầu tư kết cấu hạ tầng. Thực hiện được việc thu hồi đất của nhân dân sở tại trước khi di chuyển nhân dân vùng lòng hồ đến tái định cư.
Đặc biệt, cơ quan chức năng đã qui hoạch tái định cư vùng bán ngập ven hồ được 31 điểm và tiếp nhận được 2.620 hộ dân, loại bỏ được phương án di dân ra ngoài tỉnh, ổn định tư tưởng nhân dân, không tốn kém ngân sách Nhà nước, tốc độ di dân được đẩy nhanh.
Các huyện có dân đi và huyện có dân đến tái định cư phải chuyển thẻ bảo hiểm y tế trước khi di chuyển dân để kịp phục nhân dân khám và điều trị bệnh, làm thủ tục chuyển trường cho học sinh đến nơi ở mới...
Đảng viên làm sai thì người dân sẽ không nghe
Thủy điện Sơn La, với công suất 2.400 MW, sản lượng điện bình quân 9.429 tỷ kWh. Để phục vụ xây dựng công trình trọng điểm quốc gia này, Sơn La đã có 12.584 hộ dân ở 3 huyện, 16 xã, 169 bản vùng ngập lòng hồ di chuyển đến 56 khu, 221 điểm tái định cư, trên 8.000 hộ dân sở tại tái định cư và di chuyển huyện lỵ Quỳnh Nhai ra khỏi vùng ngập Thủy điện Sơn La. |
Thứ hai là phải phòng ngừa trường hợp tổ chức Đảng và dân sai phạm. Vì đối với người dân, hành động của mỗi Đảng viên chính là hành động của Đảng. Nếu Đảng viên làm sai thì người dân sẽ không nghe, không thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Đây là bài học đắt giá nhất, có kết hợp cả lý luận và thực tiễn mà chúng tôi đã rút ra được từ công tác di dân, tái định cư cho Nhà máy Thủy điện
- Vậy cấp ủy và chính quyền tỉnh Sơn La có chính sách, phương hướng ổn định và phát triển đời sống cho người dân tái định cư như thế nào sau khi họ đã bỏ hết nhà cửa, ruộng nương để giải phóng mặt bằng cho dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, thưa ông?
Tại các điểm tái định cư, cấp ủy và chính quyền đã chỉ đạo đảm bảo bốn yếu tố là đất sản xuất đủ, có nguồn nước tự chảy, có đủ điều kiện xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo được sự đồng thuận của các hộ dân tái định cư và nhân dân sở tại.
Thực tế cho thấy, vừa di dân vừa xây dựng cơ cấu kinh tế mới 6 năm thì nhiều thôn, bản tái định cư đã hơn hẳn thôn, bản cũ. Tuy vậy, chúng tôi ý thức được rằng, trong 5, 10 năm tới, đầu tư để người dân có cuộc sống ổn định, thu nhập cao hơn tại nơi ở cũ là một nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải cố gắng hơn nữa. Song tôi cũng tin tưởng, với sự lãnh đạo và quản lý chặt chẽ, với nguồn vốn di dân rất lớn thì chắc chắn cuộc sống của đồng bào tại nơi ở mới sẽ ổn định và phát triển hơn.
Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Sơn La sẽ tiếp tục tập trung cao cho việc đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, điểm tái định cư và xây dựng phương hướng sản xuất hàng hóa phù hợp để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn di dân, tái định cư (5.320/11.128 tỷ đồng) giai đoạn I và lập Dự án “Ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La” vì mục tiêu ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân một cách bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!