Tỉnh Lạng Sơn sắp ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Lạng Sơn nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay hiện trạng hạ tầng số của tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ từ Bộ Thông tin và truyền thông.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, diện tích chủ yếu là đồi núi cao nên rất khó khăn trong việc phát triển hạ tầng viễn thông. Mặt khác, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và cần chủ động thích nghi trong tình hình mới, với hạ tầng viễn thông còn hạn chế như vậy, việc dạy và học trực tuyến đối với ngành giáo dục của tỉnh vô cùng khó khăn đối với rất nhiều học sinh, sinh viên sinh sống tại các thôn, bản chưa có sóng Internet. Để có hạ tầng số, thực hiện tốt Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, việc mở rộng vùng phủ sóng di động, internet đáp ứng nhu cầu dạy và học là yêu cầu cấp bách.
Bên cạnh đó, với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới với nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa có sóng đã gây khó khăn rất lớn cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, chưa bảo đảm tốt thông tin liên lạc để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn hoàn thành phát triển hạ tầng số tại 154 thôn, bản chưa có sóng di động và 172 thôn, bản chưa có sóng Internet băng rộng trong năm 2021.
Có thể thấy, lộ trình chuyển đổi số Lạng Sơn đã được đề ra rõ ràng, cụ thể, đồng nghĩa với việc chúng ta còn phải vượt qua nhiều khó khăn phía trước. Khó khăn và thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen làm việc. Do vậy chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện.
Với mỗi cơ quan, tổ chức thì sự thay đổi trước tiên phụ thuộc vào quyết tâm của người đứng đầu, dám tiên phong trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị. Huy động sự vào cuộc và hành động đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân, là nhân tố bảo đảm thành công của chuyển đổi số./.