Bốn trụ cột chính trong chuyển đổi số toàn diện Lạng Sơn
Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ quan điểm: Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025; cùng các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chuyển đổi số.
Chuyển đổi số với tầm nhìn dài hạn là xây dựng tỉnh Lạng Sơn trở thành địa phương có bước đi nhanh, sớm thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác chuyển đổi số; nắm bắt kịp thời và tận dụng có hiệu quả cơ hội do chuyển đổi số mang lại, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy thể chế và công nghệ là động lực, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá, đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng chỉ đạo rõ, mục tiêu tổng quát của chuyển đổi số tỉnh này đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chuyển đổi số là cơ hội để giúp nông sản Lạng Sơn cất cánh. |
Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số - xã hội hiện đại áp dụng và tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Lạng Sơn đang thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức
Đáng chú ý, trong các mục tiêu cụ thể về phát triển Chính quyền số và Xã hội số Lạng Sơn đến năm 2025, Nghị quyết của Tỉnh ủy đã nêu rõ yêu cầu về ứng dụng trợ lý ảo (Chatbot) để hỗ trợ các cán bộ, công chức, viên chức trong công việc và giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp.
Cụ thể, một trong những mục tiêu phát triển chính quyền số Lạng Sơn là đến năm 2025, 100% cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước có ít nhất 1 trợ lý ảo hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức trong môi trường làm việc.
Về phát triển xã hội số, cùng với các chỉ tiêu như trên 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử; 100% hộ gia đình có địa chỉ số… cũng đến năm 2025, 100% người dân và doanh nghiệp tại Lạng Sơn sẽ được trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Thông tin đến phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, với trợ lý ảo, thông tin được giải đáp tự động 24/7 và có thể phục vụ nhiều người cùng một lúc, tiết kiệm thời gian tư vấn, góp phần thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. “Việc xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức trong quản lý nhà nước là 1 bước đi trong lộ trình chuyển đổi số tại tỉnh Lạng Sơn nhằm mục tiêu sớm đưa Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số”, ông Dương Xuân Huyên thông tin.
Hiện tại, trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức Lạng Sơn đang được triển khai thử nghiệm tại Sở TT&TT. Trên cơ sở thử nghiệm, Sở TT&TT Lạng Sơn sẽ báo cáo, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh mở rộng triển khai trong thời gian tới./.