Làm giả quyết định nhận việc cho hàng loạt nạn nhân vẫn thoát tội ngoạn mục

Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
(PLO) - Lợi dụng uy tín công tác trong cơ quan Nhà nước, soạn các quyết định giả để đưa nạn nhân đi nhận việc, Trần Quang Trung (SN 1965, ngụ phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng) và đồng bọn vẫn thoát tội ngoạn mục vì đã “đi trước đón đầu” trả lại tiền cho nạn nhân trước khi bị công an triệu tập.
Mang quyết định giả đi … nhận việc 
Gần cuối tháng 4/2014, Bệnh viện Hòa Vang tiếp nhận 3 bộ hồ sơ, trong đó có 3 Quyết định của Sở Y tế TP. Đà Nẵng do đích thân PGĐ ký, về việc xét tuyển hợp đồng dài hạn một số ngành bổ sung cho đơn vị. 
Thời điểm này, Bệnh viện mới đi vào hoạt động, cũng đang xét tuyển nhân sự nên vấn đề tiếp nhận các hồ sơ cũng diễn ra liên tục. Tuy nhiên, với 3 bộ trên, mới nhìn sơ qua, cán bộ nơi đây không khó để nhận ra 3 Quyết định bên trong “có vấn đề” bởi từ chữ ký đến con dấu đều được sao chụp lại. 
Ngay lập tức, các bộ hồ sơ nghi vấn này được chuyển về Sở Y tế thành phố để làm rõ. Tại đây, qua kiểm tra, đối chiếu cho thấy, những quyết định trên hoàn toàn giả mạo nên Sở đã làm công văn báo cáo gửi Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA 83, Công an TP. Đà Nẵng) nhờ làm rõ kẻ nào đã mạo danh, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế.
Tiếp nhận thông tin cũng như toàn bộ tên tuổi của người xin việc gửi kèm trong hồ sơ, PA 83 mời những người xin việc lên tìm hiểu. Vừa nhìn thấy bộ hồ sơ xin việc của mình đang ở chỗ công an, Trần Thị Hiền (SN 1992, quê Quảng Bình, ngụ quận Hải Châu) run bắn người lo lắng vì không biết bản thân đã làm sai điều gì. 
Hiền cho biết, 4 năm trước, vào Đà Nẵng theo học trung cấp y tại một trường dân lập, chuyên ngành điều dưỡng, ra trường đã 1 năm nhưng vẫn chưa xin được việc làm. 
Đầu năm 2013, ông Trần Văn Khanh (SN 1959, cha của Hiền) thông qua một vài lời giới thiệu, biết được Trần Thế Dũng (SN 1973, ngụ quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có khả năng xin việc nên nhờ giúp đỡ cho con gái. Sau một thời gian chờ đợi, ông Khánh cũng tốn mất 100 triệu đồng, con gái ông mới nhận được quyết định tuyển dụng vào vị trí Dược sĩ từ tay Dũng, cùng yêu cầu kẹp chung cùng bộ hồ sơ, mang đến Bệnh viện Hòa Vang nộp. 
Lúc này, Hiền thắc mắc sao Quyết định lại đóng dấu photo thì được Dũng cho biết, bản chính dấu đỏ được Sở chuyển trực tiếp, còn người xin việc “chỉ cần như vậy thôi”.
Tương tự như Hiền, Nguyễn Thị Diễm (SN 1991, quê Ninh Bình, tạm trú phường An Khê, quận Thanh Khê) cũng từ quê lặn lội vào Đà Nẵng học cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng tại một trường tư thục. Sau khi ra trường, Diễm trầy trật mãi mà vẫn không cách nào xin được việc làm nên phải đi phụ bán cà phê, chạy bàn…. 
Tháng 3/2013, thương em gái, anh trai của Diễm nhờ người bạn quen biết tên Nguyễn Văn An (SN 1972, ngụ phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), đang công tác tại một cơ quan Nhà nước, để đặt vấn đề xin việc cho em vào Bệnh viện Hòa Vang. 
An thông qua các mối quan hệ đã kết nối được với Lê Diễn Thuyết (SN 1982, ngụ phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và Trần Quang Trung (SN 1965, ngụ phường Thạch Thang, quận Hải Châu), để nhờ giúp đỡ. 
Song song khoảng thời gian này, Lê Thị Xuân (SN 1991, quê huyện Phú Ninh, Quảng Nam), tốt nghiệp ngành Điều dưỡng cùng một trường cao đẳng với Diễm, cũng “nối gót” theo bạn, đặt vấn đề nhờ Thuyết, Trung xin vào làm việc tại Bệnh viện Hòa Vang. 
Ngày 20/4, cả 2 cùng được nhận Quyết định tuyển dụng vào vị trí Điều dưỡng viên nên mừng rỡ mang đi nộp mà không mảy may suy nghĩ gì. 
Tuy nhiên, chưa để nạn nhân kịp vui được vài ngày, nghi vấn đã bị phát giác. Lúc này, biết công an đang vào cuộc điều tra, Dũng liền liên hệ với 2 đối tượng khác gồm Nguyễn Thị Thảo (SN 1984, ngụ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Ngô Đăng Quảng (SN 1967, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cùng đang làm nhân viên cho một công ty cổ phần tại Đà Nẵng) bàn bạc gom tiền trả lại cho cha con ông Khanh. 
Ngày 18/5, Thảo và Dũng đã đến nhà ông Khanh (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) để trả lại 100 triệu đồng “đón đầu, đi trước”. Ba đối tượng trên cùng Thuyết và Trung vẫn được mời về trụ sở công an để rõ quá trình “giúp xin việc”.
Giả mạo giấy tờ để lấy oai hay để trục lợi?
Tại cơ quan điều tra, Dũng, Thảo và Quảng cho biết, sau khi nhận lời “nhờ giúp đỡ” cho con gái ông Khanh, Dũng mang toàn bộ thông tin này tới nhờ vả Nguyễn Thị Thảo (SN 1984, ngụ phường Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). 
Nhận lời, Thảo gặp Ngô Đăng Quảng bàn tính cách “chạy việc” cho Hiền, đồng thời ra giá cho Quảng số tiền 90 triệu đồng nếu xin được “1 suất” vào làm tại Bệnh viện Hòa Vang. 
Quyết định giả Trung tự chế
 Quyết định giả Trung tự chế 
Sau đó, Thảo thỏa thuận với Dũng 100 triệu đồng để hưởng chênh lệch 10 triệu đồng. Nghe xong, Dũng liền đi “báo giá” lại cho ông Khanh và được ông này đồng ý. 
Từ tháng 6 đến tháng 8/2013, ông Khanh đã nhiều lần đưa cho Dũng đủ 100 triệu đồng. Nhận tiền của ông Khanh, Dũng giao cho Thảo 53 triệu đồng và thỏa thuận nếu không xin được việc cho Hiền, Thảo phải trả lại 60 triệu đồng.
Nhận tiền từ Dũng, Thảo đưa cho Quảng 30 triệu đồng lo “chạy việc” còn mình giữ lại 23 triệu đồng để tiêu xài. Tiếp theo, Quảng liên hệ với “đầu mối” gồm Lê Diễn Thuyết và Trần Quang Trung để đặt vấn đề xin việc cho Hiền. 
Theo Quảng, 2 nhân vật này vốn là cán bộ cho một đơn vị tại quận Thanh Khê, có “tiếng tăm” quan hệ rộng và khả năng “lo” cho nhiều người vào Bệnh viện Hòa Vang làm việc. 
Đối với 2 trường hợp xin việc còn lại, Thuyết và Trung cho biết, bản thân cá nhân có quan hệ từ trước với An (anh của Diễm) nên nhận giúp xin việc, hoàn toàn không có thỏa thuận liên quan đến tiền bạc. “Tất nhiên trong quá trình nhận hồ sơ xin việc cho 2 em này, chúng tôi có vài lần ăn nhậu cùng người nhà của họ. Nếu xin được việc họ tự giác cho bao nhiêu tiền cũng được chứ không đòi hỏi số tiền cụ thể”, Thuyết và Trung cho biết. 
Cũng lời khai của Thuyết và Trung, sau khi đã “ôm sô” cả 3 bộ hồ sơ, nhưng “loay hoay” mãi mà cả 2 vẫn không cách nào “chạy” được một suất vào làm việc tại Bệnh viện Hòa Vang. 
Tuy nhiên vì không muốn uy tín của của mình mất đi trong mắt những người có nhu cầu và cả bạn bè, Trần Quang Trung nảy ra ý định làm giả 3 quyết định về việc xét tuyển dụng Hiền, Diễm, Xuân làm hợp đồng dài hạn tại Bệnh viện Hòa Vang. 
Để có các quyết định giống như thật, Trung lên mạng nghiên cứu rất kỹ các điều lệ, cách thức đánh trong văn bản, đồng thời dựa vào một số văn bản của Sở Y tế Đà Nẵng để học cách viết tay các dòng bút phê phía sau của lãnh đạo sở. Sau đó Trung gấp chữ ký và con dấu photocoppy của các văn bản Sở y tế Đà Nẵng để “dán” vào 3 quyết định giả vừa đánh máy in ra, rồi đưa đến cho người nhờ vả. 
Thế nhưng, Trung chống chế, bản thân hoàn toàn không nghĩ hậu quả sự việc diễn ra nghiêm trọng như vậy, bởi các quyết định này Trung biết rõ sẽ không thể qua mắt được các cơ quan chức năng. Động cơ làm giả giấy tờ của Trung lúc đó chỉ mục đích muốn “nổ” với mọi người
Khó xử lý   
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được và lời khai của các đương sự, PA83 đã xác định những hành vi sai phạm của các đối tượng. Theo thiếu tá Ngô Văn Công, Phó trưởng Phòng PA83, đối tượng Trung đã thừa nhận hành vi làm giả quyết định tuyển dụng của Sở Y tế Đà Nẵng, nói cách khác có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. 
Dù Trung không đưa ra định mức số tiền bao nhiêu, chỉ nghĩ rằng nếu các trường hợp trên được tuyển dụng, sẽ được một khoản tiền… nhưng việc nhận hồ sơ xin việc và làm giả các quyết định, Trung có mục đích, động cơ vụ lợi. 
Tuy nhiên, hậu quả Trung gây ra chưa có, vi phạm lần đầu. Mặt khác, khi làm việc với  đối tượng này, công an cũng không xác định có các hành vi thỏa thuận hoặc nhận tiền của Trung để chạy xin việc, chủ yếu bằng thỏa thuận miệng với nhau.
Đặc biệt, các bản quyết định giả chỉ để lừa người có nhu cầu xin việc chứ không giống mẫu tuyển dụng thật của Sở Y tế Đà Nẵng ban hành, không có khả năng giúp người sử dụng che giấu, đánh lừa được cơ quan tuyển dụng. 
Vì vậy, căn cứ nội dung Điều 193 của BLHS về việc “Làm giả giấy tờ, con dấu Nhà nước”, không thể khởi tố Trung. Việc xử lý hành chính cũng gặp vướng mắc bởi vụ án phải khởi tố trước, sau đó Viện kiểm sát cùng cấp mới đề xuất hướng xử lý …
Còn Thuyết giữ vai trò người môi giới, làm trung gian giữa các đối tượng với Trung. Bản thân Thuyết không tham gia giúp đỡ Trung làm giả các quyết định tuyển dụng, đồng thời qua xác minh, điều tra cũng không xác định việc Thuyết có thương lượng hoặc nhận tiền để chạy việc, nên cũng không có đủ cơ sở để xử lý vi phạm đối với đối tượng này. 
Số còn lại gồm Dũng, Thảo, Quảng đã có hành vi môi giới, nhận 100 triệu đồng của ông Khanh trong trường hợp chạy việc cho chị Hiền, nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân. Hành vi trên thể hiện dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Công văn đề nghị của Sở Y tế
 Công văn đề nghị của Sở Y tế
Tuy nhiên, cũng theo phân tích của thiếu tá Công, các đối tượng này chỉ giữ vai trò môi giới, tin tưởng vào khả năng chạy xin việc của Trung nên thực hiện hành vi vi phạm chứ không hề biết Trung không làm được việc nhưng vẫn cố lấy tiền. 
Hơn nữa, các đối tượng đã thành thật khai báo, trả lại đầy đủ tiền khắc phục hậu quả nên cũng không có đủ cơ sở để xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản 3 người này.
Cũng vì những quy định trên mà cho đến nay, công an vẫn chưa thể hoàn chỉnh hồ sơ, đưa ra hướng xử lý sao cho đúng luật và có đủ sức răn đe, giáo dục với đối tượng. 
“Có thể không xử lý hành chính nhưng PA83 đề xuất, trong thời gian tới sẽ yêu cầu các đương sự cam kết không tái phạm, đồng thời chính thức có văn bản thông báo cho tổ chức nơi các đối tượng đang làm việc để có hình thức khiển trách phù hợp. Qua vụ việc này, điều cốt yếu mà cơ quan điều tra mong muốn sẽ là bài học cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh, nhiều người dân… cần thận trọng khi xin việc, để khỏi “tiền mất tật mang””, Thiếu tá Công chia sẻ./.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.