Làm gì để phục hồi rừng?

Phục hồi rừng đòi hỏi phải tăng cả về chất lượng và số lượng.
Phục hồi rừng đòi hỏi phải tăng cả về chất lượng và số lượng.
(PLVN) - Cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Đáng nói, tăng chất lượng rừng sẽ làm tăng trữ lượng các bon, từ đó tạo ra nguồn tài chính mới trong ngành lâm nghiệp nhờ bán tín chỉ các bon.

Diện tích rừng bình quân thế giới gấp 7 lần Việt Nam

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), thế giới đang mất đi 10 triệu ha rừng mỗi năm, tương đương với diện tích của quốc đảo Iceland. Rừng lưu trữ một lượng lớn các bon thông qua quá trình quang hợp của cây xanh, do vậy, khi đốt cháy hoặc chặt cây, lượng các bon thải vào khí quyển dưới dạng khí CO2 và khí nhà kính. 

Việc khai thác và đốt rừng nhiệt đới, rừng trên đất than bùn chiếm khoảng 10% các chất khí nhà kính sinh ra từ hoạt động của con người. Rừng tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong “cuộc chiến” chống lại biến đổi khí hậu, cho nên mục tiêu cấp bách toàn cầu là bảo vệ và phục hồi rừng.

Đến hết năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thống kê tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,3 triệu ha với độ che phủ rừng đạt 42%, so với bình quân thế giới chỉ đạt 31%.

Tuy nhiên, diện tích rừng bình quân của nước ta thấp hơn bình quân thế giới 7 lần và trữ lượng cũng thấp hơn bình quân của thế giới 7,5 lần. Nói đơn giản hơn, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng tăng lên nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, tỷ lệ cây xanh/người dân ở đô thị và nông thôn vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Nhân dịp Ngày Quốc tế về rừng năm nay (21/3/2021), Liên Hợp quốc kêu gọi toàn thế giới chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất. Như vậy, trong giai đoạn tới, độ che phủ rừng Việt Nam cần được đảm bảo vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên; trong khi đó chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Bên cạnh Đề án 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, thách thức đặt ra cho ngành lâm nghiệp là phải có những giải pháp, sáng kiến đột phá để đạt được những mục tiêu nêu trên, đồng thời tăng cường nhận thức của xã hội về công tác bảo vệ và phát triển rừng. 

Về mặt chính sách, trong điều kiện của một nước đang phát triển và nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã đề ra những Kế hoạch thích ứng quốc gia ưu tiên phục hồi, quản lý bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng; thông qua các giải pháp tái sinh, phục hồi rừng, làm giàu rừng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác phát triển rừng trồng nhằm cải thiện sinh kế và cơ hội việc làm trong lâm nghiệp.

Đơn cử, Dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. 

Nguồn tài chính mới từ bán tín chỉ các bon

Theo các chuyên gia, tăng chất lượng rừng sẽ làm tăng trữ lượng các bon, từ đó tạo ra nguồn tài chính mới trong ngành lâm nghiệp nhờ bán tín chỉ các bon. Việc tăng dày thảm thực vật rừng còn giúp đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, nhằm thực thi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật, Việt Nam cam kết vào năm 2030 giảm phát thải 83,9 triệu tấn CO2 bằng nỗ lực quốc gia và nếu có sự hợp tác hiệu quả của quốc tế, Việt Nam có thể giảm phát thải tới 250 triệu tấn CO2.

Sáng kiến giảm khí nhà kính do mất, suy thoái rừng; quản lý tài nguyên rừng bền vững; bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng tại nước đang phát triển (sáng kiến REDD+) là một trong những giải pháp quan trọng của Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.

Qua hơn 10 năm chuẩn bị, đến nay, Quỹ Đối tác các bon trong lâm nghiệp (gọi tắt là Quỹ FCPF) đã công nhận Việt Nam hoàn thành giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng thực thi REDD+ và có thể tiến hành trao đổi tín chỉ các bon lâm nghiệp.

Năm 2020, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới (WB) – cơ quan uỷ thác của Quỹ FCPF. Đáng chú ý, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký thỏa thuận với Quỹ FCPF. Theo Thoả thuận này, người hưởng lợi là chủ rừng, công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, các cộng đồng được giao đất, giao rừng - những người trực tiếp làm tăng bể chứa CO2.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đang dự thảo kế hoạch chi tiết để thực hiện Thỏa thuận này, trong đó sẽ trình Chính phủ ban hành quy định về cơ chế tiếp nhận tiền, chi trả tiền thu được từ dịch vụ tín chỉ CO2, triển khai việc đo lường hấp thụ CO2 trên thực địa, tăng chất lượng rừng. 

Đáng nói, Chương trình giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải giai đoạn 2018 - 2025 vùng Bắc Trung Bộ là Chương trình REDD+ đầu tiên của Việt Nam thực hiện theo cách tiếp cận chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải ở quy mô cấp vùng.

Việt Nam tự huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Chương trình với mục tiêu giảm phát thải khoảng 25 triệu tấn CO2. Trong đó Quỹ FCPF cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2 với giá dự kiến 5 USD/tấn, tương đương 51,5 triệu USD. Phần còn lại, Việt Nam có quyền bán cho các đối tác khác.

Đây không chỉ là nguồn lực rất ý nghĩa các tỉnh Bắc Trung Bộ mà còn là tín hiệu tích cực đối với toàn ngành lâm nghiệp, ngành môi trường Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá việc bán tín chỉ các bon là nguồn tài chính mới hỗ trợ cho cộng đồng địa phương phối hợp với chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ nêu trên cũng là cơ chế thí điểm của Liên Hợp quốc về chi trả giảm phát thải khí nhà kính, làm cơ sở xây dựng thị trường tín chỉ CO2 trên toàn cầu.  

Một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hoá các loại dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn tài chính cho bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế cho người dân để “bám đất, bám rừng”.
Nói về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, để cải thiện cơ sở hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp, kể cả hạ tầng cho chế biến, trồng rừng, hướng đến phát triển theo hướng hiện đại, bền vững thì động lực là tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; phải giữ được rừng tự nhiên và làm giàu; với diện tích rừng trồng khi không còn dư địa tăng diện tích thì phải có giải pháp về giống, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng.

Đọc thêm

Những vụ hỏa hoạn gây rúng động Hà Nội

Hiện trường vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ.
(PLVN) - Những năm gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của người dân, gây ám ảnh trong cộng đồng.

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, đêm 18 và ngày 19/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường yếu xuống phía Nam, gây gió mạnh trên các vùng biển. Trên đất liền, khu vực miền Bắc duy trì hình thái thời tiết đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù nhẹ, ngày nắng.

Công an khuyến cáo biện pháp phòng cháy, nổ khi thắp hương tại nhà

Lực lượng PCCC nhắc nhở và hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng.
(PLVN) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy mà nguyên nhân là do chập điện bóng đèn trên bàn thờ hoặc do khi thắp hương thờ cúng. Do đó,  Công an thành phố khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng tại gia đình.

Hà Nội thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp: Giảm ô nhiễm không khí mang đến nhiều lợi ích

Quận Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.