Chú trọng lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của văn bản
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc chấn chỉnh một số nội dung trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng; kiểm tra, xử lý; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật , Sở Tư pháp đề nghị thủ trưởng các Sở, ban, ngành quan tâm thực hiện các nội dung như sau:
Đối với công tác xây dựng VBQPPL, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của cơ quan, đơn vị mình. Tập trung các nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, tham mưu xây dựng văn bản QPPL. Đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, trình tự, thủ tục theo quy định.
Xây dựng văn bản pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. |
Đồng thời tăng cường phối hợp giữa cơ quan, địa phương trong việc lấy ý kiến dự thảo VBQPPL, nhất là việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Cần định hướng vấn đề lấy ý kiến trong dự thảo văn bản QPPL để việc lấy ý kiến góp ý được hiệu quả, thực chất.
Sở Tư pháp cũng đề nghị các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh thường xuyên phối hợp kiểm tra các VBQPPL thuộc ngành, lĩnh vực mình tham mưu UBND tỉnh ban hành.
Xử lý trách nhiệm trong ban hành văn bản trái luật
Nhiệm vụ nữa là các Sở, ban, ngành thường xuyên rà soát các văn bản thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để kịp thời phát hiện văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với quy định của văn bản pháp luật cấp trên và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để tham mưu bãi bỏ, đình chỉ, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp.
Hàng năm thực hiện rà soát, tổng hợp gửi kết quả về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố.
Một buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân ở Lâm Đồng. |
Đối với các văn bản ban hành trái pháp luật, thủ trưởng các Sở, ban, ngành căn cứ Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ và kết quả của việc đánh giá hậu quả, tác hại của các văn bản trái pháp luật gây ra để đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật.
Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng hướng dẫn cụ thể về việc đảm bảo quy định trong xây dựng, soạn thảo các tờ trình, nghị quyết. trong đó đặc biệt đảm bảo quy định tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết; Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách.