Tại phiên tòa, khi luật sư đang tiến hành xét hỏi thì HĐXX cho dừng phiên tòa để hội ý. Sau đó, chủ tọa ra thông báo phiên tòa cần hội ý kéo dài nên tạm dừng và đến 8 giờ sáng ngày 29-3 sẽ xét xử tiếp.
Theo chủ tọa phiên tòa lý do cần hội ý kéo dài đó là xem xét việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với 2 bị cáo và xem xét lại việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự, cụ thể là xem xét lại giá trị thiệt hại của cầu Ghềnh.
Như báo Pháp Luật Việt Nam đã đưa tin, bị cáo Trần Văn Giang bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” còn bị cáo Phan Thế Thượng bị truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” và “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”.
Liên quan đến vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Lẹ có mặt trên chiếc tàu đẩy sà lan cùng với bị cáo Giang khi tai nạn xảy ra. Nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Lẹ chỉ là người phụ việc trên tàu nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 19-3-2016, Phan Thế Thượng biết rõ tàu kéo số hiệu SG-3745, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, Trần Văn Giang không có bằng thuyền trưởng, thế nhưng Thượng vẫn giao cho Giang điều khiển tàu kéo số hiệu SG-3745 đẩy sà lan số hiệu SG-5984 chờ cát từ sông Cổ Chiên thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh đến sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai.
Khoảng 11 giờ 30 ngày 20-3-2016, Giang điều khiển tàu kéo số hiệu SG-3745 đẩy sà lan hiệu SG-5984 chở cát đến khu vực cầu Ghềnh thuộc địa phận TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Do Giang không biết cách đưa phương tiện qua khoảng thông thuyền của cầu Ghềnh một cách an toàn, đã để thành bên trái sà lan số hiệu SG-5984 va chạm vào mặt ngoài trụ cầu số 2. Hậu quả là cầu Ghềnh sập, gây thiệt hại về tài sản với tổng trị giá là 21 tỉ đồng.`
Trước đó, cuối năm 2017, vụ án cũng được TAND TP Biên Hòa đưa ra xét xử nhưng sau đó hoãn tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.