Bộ Nội vụ cho hay, tuy điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70/2018, trong đó quy định thực hiện điều chỉnh mức lượng cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1/7/2019.
Tin vui là, Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với 93,37% đại biểu tham gia tán thành. Theo đó, mức lương cơ sở năm 2020 sẽ tăng thêm 110.000 đồng một tháng (tương đương 7,3%) so với mức hiện hành là 1,49 triệu đồng (cũng vừa tăng từ tháng 7). Sự điều chỉnh này theo đề xuất của Chính phủ trước đó, và cũng là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua.
Quan tâm đến lương là nhu cầu chính đáng, sát sườn của người ăn lương. “Điều chỉnh lương” bảo đảm cho người ăn lương sống được bằng lương vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của Nhà nước, với tư cách là “ông chủ” sử dụng lao động. Đây cũng là yêu cầu để xây dựng đội ngũ công chức, chế độ công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả; góp phần phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi là đúng. Đại biểu đang công tác ở ngành nào thì tranh thủ “kêu” cho ngành đó cũng là điều dễ hiểu. Đồng lương chưa đủ sống là thực tế, dù là lương từ Đại tá trở lên trong lực lượng vũ trang, ngành có “hệ số” và “cách tính” đặc biệt.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra mục tiêu: Cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với tăng năng suất lao động. Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu theo lộ trình phù hợp, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động đang làm việc cũng như người đã nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. Đây là chủ trương lớn, xuất phát từ thực tiễn.
Chúng ta đã qua nhiều giai đoạn “cải cách tiền lương”: 1960 – 1984, 1985 – 1992, 1993 – 2002 và hiện nay 2003- 2020. Dù nhiều giai đoạn nhưng “tư duy cải cách” không mới. Nhiều chuyên gia khẳng định: thực chất của cải cách chính sách tiền lương trong giai đoạn này vẫn dựa trên cách tính lương năm 1993, chỉ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mở rộng quan hệ tiền lương, tách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực chi từ ngân sách nhà nước...
Mặc dù vậy, chính sách tiền lương của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập so với nhu cầu của thực tiễn phát triển đất nước. Điều này đặt ra yêu cần một cuộc cải cách chính sách tiền lương toàn diện, đồng bộ; dựa trên nhu cầu của thực tiễn, bằng chứng khoa học thuyết phục.
Chúng ta đang sống trong “nghịch lý” lớn: Ai cũng muốn tăng lương nhưng bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả. Vừa qua, nhiều bộ, ngành được coi là “dũng cảm” bỏ tầng nấc, tuy nhiên gần như mới “thay bình”, bỏ được “cấp trung gian”, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.