Lá thư tới Trường Sa và ngược lại là cầu nối của yêu thương, hy vọng. Những người lính đảo phải chờ vài tháng trời lá thư mới đến tay mình, chứ không phải nhanh chóng như thời đại của Internet với những bức thư email vô cảm của người thành thị. Lá thư của lính gửi người yêu dấu được viết vội trong những lúc buồn vui, khi cảm xúc dâng trào… còn lá thư từ hậu phương luôn là cảm xúc nhẹ nhàng, ân cần, dặn dò, đôi khi hờn dỗi… Lá thư được gấp theo hình cánh chim hay trái tim, cho thêm hương nước hoa mà người yêu hay dùng, để người lính cảm nhận được hương thơm từ người mình yêu dấu.
Tôi may mắn được người lính Vũ Thanh Kiên, ở đảo Tốc Tan cho đọc lá thư của chị Thùy Dung, vợ anh gửi từ Hưng Yên. Lá thư hậu phương này đầy trách móc, hờn dỗi, nhưng vẫn sãn sang tha thứ và cho nhau niềm tin.
“Anh yêu ơi, anh cũng nên nhớ là ngày nào anh còn yêu em, tốt với em thì không có một lý do nào khiến anh phải lo lắng, nghĩ ngợi lung tung sợ em không chung thủy với anh. Anh có biết mỗi lần phải nghe những lời nói, những ý nghĩ không tốt về em, em buồn và cảm thấy như mình bị xúc phạm hay không anh yêu?. Em rất bực và giận anh ghê gớm, ấm ức mà không biết phải làm sao đây để cho anh hiểu và tin rằng em yêu anh hơn cả bản thân mình. Anh là lẽ sống, là tất cả đối với em. Nếu phải lấy cái chết ra để anh tin thì em sẵn sàng không tiếc gì…”.
Những lời tự tình đầy trách móc, ẩn ý như vậy, khiến cho lá thư hậu phương với những người lính đảo luôn là báu vật bên người. Họ đọc đi, đọc lại nhiều lần trong tháng chỉ để cảm thấy được gần gũi, để cảm giác người thân yêu thương của mình vẫn quanh đây: “Ở đây, sau những giờ trực, lá thư là thứ tâm giao của chúng tôi với quê nhà”. Người lính trẻ Vũ Thanh Kiên, ở đảo Tốc Tan tâm sự
“Mỗi lần có tàu ra đảo, điều đầu tiên chúng em chờ đợi là lá thư từ quê nhà. Hầu như ai cũng có thư, không có thư người yêu, vợ hiền thi có thư gia đình, bạn bè, kết bạn…Nằm ở đảo cứ mở lá thư ra đọc đi đọc lại… Nó như một thứ linh hồn để động viên chúng tôi vượt qua nỗi nhớ để vững vàng bảo vệ Tổ quốc”, bác sỹ Hoàng Văn Đông bộc bạch.
“Bố em là bộ đội
ở tận vùng đảo xa
chưa lần nào về phép
mà luôn luôn có quà
bố gửi nghìn cái nhớ
gửi cả nghìn cái thương
bố gửi nghìn lời chúc
gửi cả nghìn cái hôn
bố cho quà nhiều thế
vì biết em rất ngoan
vì em luôn giúp bố
tay súng luôn vững vàng”
Đây là lá thư của người con gửi tới bố mình đang chắc tay súng nơi biển đảo đến từ Sài Gòn. Lời lẽ thật ngây thơ và tràn đầy yêu thương, hy vọng.
Đọc những lá thư từ đất liền gửi ra Trường Sa, tôi thấy hình ảnh của những người yêu nhau nhưng xa nhau vẫn như đang sống gần nhau ở đâu đó trong giảng đường đại học hay góc nhỏ công viên, quán cà fe ven đường ngắm mưa Sài Gòn đến và đi rất nhanh… hay một địa danh nào đó quen thuộc của họ. Tất cả không hề có sự xa cách, chia ly.
Và trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo quê hương, nhiều người lính không may ngã xuống, lá thư hậu phương sẽ được đồng đội cẩn thận gói lại bên di hài họ. Lá thư vẫn được họ vẫn mang theo bên mình như hơi âm của người thân trong thế giới bên kia.
Câu chuyện từ những lá thư hậu phương gửi cho người lính nơi biên thùy mang đến cho chúng ta sự đồng cảm của người lính phải chấp nhận xa nhà, gia đình, vợ con…nhưng họ vẫn tràn đầy niềm tin, lạc quan về cuộc sống nơi biển Đông sóng vỗ. Lá thư hậu phương chính là sức sống, nguồn lực mạnh mẽ để người lính tiếp bước bảo vệ vùng trời bình yên.
P.V.