Tọa lạc bên bờ sông Seine, ngôi nhà Ấn Độ có thể được thấy từ xa nhờ các mái vòm cung nhọn mạ vàng. Khi trời đẹp có nhiều nắng, mái nhà lại càng lấp lánh lung linh ánh sáng. Ngoài nhà Ấn Độ, còn có thêm một ngôi nhà thứ nhì với lối kiến trúc khác thường, không giống như các dãy phố xung quanh.
Lối kiến trúc bên ngoài cũng như cách thiết kế bên trong hầu như đều được làm bằng gỗ, với nhiều họa tiết và đường viền chạm trổ khá tỉ mỉ, nhất là các tấm bảng ở khung cửa sổ hay trên trần nhà. Mặt tiền của toà nhà với nhiều cửa kính cho thấy lối thiết kế thật ra không thuần chất Ấn Độ mà lại được kết hợp với nhiều ảnh hưởng từ vương quốc Anh.
Ngôi nhà Ấn Độ do kiến trúc sư Caspar Purdon Clarke thực hiện, đã thu hút 16 triệu khách tham quan khi được trưng bày trên quảng trường Champs de Mars, nhân kỳ Triển lãm Toàn cầu tổ chức ở Paris vào năm 1878.
Sau ngày bế mạc Triển lãm Toàn cầu, Ngôi nhà Ấn Độ đã bị tháo gỡ, một phần bị hư hỏng nặng do trời mưa bão, các tấm bảng gỗ không được cất giữ trong kho lưu trữ, phần còn lại được bán lại cho nhà qúy tộc George Stirbei (từng là ngoại trưởng Rumani tại Pháp). Ngôi nhà trở thành một phần dinh thự của dòng họ này (Stirbei & Gould) và chủ yếu được dùng như là một xưởng vẽ, do hai cô con gái nuôi của ông Stirbei đều là họa sĩ.
Kể từ năm 1951 trở đi, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của thành phố Courbevoie, khu vực ở phía sau toà nhà là một xưởng nghệ thuật dành cho các tài năng mới, đa số là sinh viên của Trường Mỹ thuật Paris. Các nghệ sĩ mầm non được mời đến đây làm việc và sáng tác trong vòng gần hai năm mà không phải lo tiền nhà.
Bên cạnh đó, Ngôi nhà Ấn Độ còn hoạt động như một phòng triển lãm theo chuyên đề. Do là nơi làm việc dành cho giới nghệ sĩ, Ngôi nhà Ấn Độ chỉ tiếp đón khách tham quan nào có đăng ký trước với ban quản lý.