Chiều nay, tại Bảo tàng Đà Nẵng, ấn phẩm Kỷ yếu Hoàng Sa do Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông cấp phép chính thức được UBND huyện Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) ra mắt, phát hành.
Buổi ra mắt Kỷ yếu Hoàng Sa. |
Phát biểu trong lễ ra mắt Kỷ yếu Hoàng Sa, nhân chứng Nguyễn Văn Cúc (60 tuổi, Sơn Trà, Đà Nẵng), 3 lần ra Hoàng Sa trong năm 1973, bộc bạch: “Tôi thấy mình may mắn được làm việc, được cống hiến sức trẻ tại mảnh đất thiêng liêng ấy và tôi muốn chia sẻ để mọi người, để con cháu thế hệ mai sau biết rằng Hoàng Sa vô cùng tươi đẹp, là một phần của tổ quốc Việt Nam…”.
Điều ông Cúc mong muốn, Kỷ yếu Hoàng Sa sẽ tiếp tục đến tay nhiều công dân Việt Nam và bạn bè quốc tế để niềm tin, chân lý chủ quyền ấy luôn cháy mãi.
Trong khi đó, nhân chứng Phạm Khôi (60 tuổi, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), từng nhận sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam biên chế vào Trung đội Hoàng Sa lên đường nhận nhiệm vụ cuối tháng 12/1964, vẫn nhớ như in lần đầu đặt chân đến đảo: “Hoàng Sa phong cảnh hữu tình, thoáng mát và khí hậu ôn hòa…Hàng chục năm đi qua, tôi vẫn khắc ghi từng vị trí bến thuyền, căn nhà, sở chỉ huy, giếng nước…để phác họa ra tấm bản đồ tặng UBND huyện Hoàng Sa trong ngày ra mắt Kỷ yếu Hoàng Sa hôm nay”.
Nhiều người dân hăm hở về cuốn kỷ yếu này. |
Không chỉ giới thiệu về hệ thống vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa gồm 37 đảo, đá, bãi đá cạn, bãi ngầm với 2 cụm đảo chính (Lưỡi Liềm ở phía Tây và An Vĩnh ở phía Đông…), Kỷ yếu Hoàng Sa còn sưu tầm, tập hợp các tài liệu về quá trình xác lập, thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Ông Ngữ khẳng định: “Đây là cuốn kỷ yếu quy mô nhất về Hoàng Sa, là bằng chứng xác đáng, đầy đủ các quy định của luật pháp quốc tế, chứng tỏ Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất từ thế kỷ thứ 17, khi quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào”.
Vân Anh