Chiều nay, 4/9, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2019 tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, cho ý kiến trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Năm 2019, toàn ngành Thanh tra đã phát hiện 66.516 tỷ đồng vi phạm. |
Phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng qua việc tự kiểm tra nội bộ
Theo Báo cáo, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt tỷ lệ 99,9%; Số bản kê khai đã công khai đạt 99,4%; có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 04 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Đã xử lý kỷ luật 08 trường hợp, đang xem xét xử lý 02 trường hợp.
Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 1.650 cơ quan, tổ chức, đơn vị, cấp ngành chức năng kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, xử lý 57 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng.
Việc chuyển đổi vị trí công tác tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 9.106 cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 02 người đang được xem xét, xử lý.
Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng (bằng số vụ và tăng 4,7% số đối tượng so với năm 2018); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (giảm 28,3% số vụ); Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (giảm 61,7% số vụ).
Chính phủ đánh giá, nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.
“Tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn hiệu quả
Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng của các cơ quan tư pháp
Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can (giảm 18 vụ, tăng 56 bị can so với cùng kỳ năm 2018); thiệt hại trên 1.028 tỷ đồng và 22.069 m2 đất; thu hồi 615.06 tỷ đồng và 11.867 m2 đất; kê biên trên 795 tỷ đồng. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ, 653 bị can.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố mới 12 vụ/16 bị can (giảm 05 vụ/06 bị can).
Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ, 849 bị cáo (tăng 31 vụ so với năm 2018); đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Có 09 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”) chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Trên nhiều lĩnh vực còn thiếu các biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục.
Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.
Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít.
Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.
Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho xử lý tham nhũng tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập.
Hiện trạng trên là do còn những hạn chế liên quan đến kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; trong việc thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ...
Chính phủ dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ khắc phục được những hạn chế, đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác PCTN.
Năm 2019, toàn ngành Thanh tra đã phát hiện 66.516 tỷ đồng vi phạm (tăng 158% so với năm 2018), 1.799 ha đất; kiến nghị xử lý 1.039 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành trên 83.437 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 75 vụ, 149 đối tượng (Theo: Báo cáo tóm tắt về công tác PCTN 2019