Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), khẳng định, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ này giám sát rất chặt quy hoạch. Thậm chí, một số địa phương còn cho là “chặt quá”, ảnh hưởng môi trường đầu tư một số tỉnh.
Hạn chế “dính” đất rừng
Thưa ông, công tác rà soát định kỳ các dự án thủy điện được thực hiện như thế nào?
- Từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đều đề nghị UBND các tỉnh tiến hành rà soát hàng năm, riêng năm 2013 đã có cuộc rà soát quy mô khi Bộ đã trực tiếp đến từng tỉnh để rà soát. Mỗi năm đều có báo cáo Quốc hội về tình hình các DATĐ. Đến năm 2019 thì Quốc hội có Nghị quyết chấm dứt việc tiến hành rà soát các dự án này, nhưng chúng tôi vẫn đề nghị các tỉnh gửi báo cáo rà soát về các vấn đề liên quan đến đất đai, công tác đầu tư.
Bộ đã có những cảnh báo nào về DATĐ đối với các địa phương?
- Trong quá trình rà soát chúng tôi đã có các cảnh báo về ảnh hưởng đến môi trường nước, mức độ chiếm đất rừng gửi đến các địa phương và kiến nghị các địa phương rà soát lại. Thời gian gần đây những cảnh báo chủ yếu liên quan đến đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên.
Riêng với đất rừng tự nhiên, từ năm 2016 chúng tôi đã khuyến cáo các tỉnh không đưa vào quy hoạch. Ví dụ mới đây, ở Lai Châu, có một dự án chỉ “dính” rất ít đến đất rừng tự nhiên (tính bằng m2) nhưng chúng tôi cũng đề nghị tỉnh không đưa vào quy hoạch.
Với rừng phòng hộ, phải có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) đồng ý về chủ trương chuyển đổi rừng phòng hộ chúng tôi mới đưa vào quy hoạch nhưng số lượng này không nhiều. Kể cả nếu là đất quy hoạch rừng phòng hộ, Bộ cũng yêu cầu phải có Nghị quyết của HĐND mới tiến hành xem xét. Tất cả các yêu cầu mà Bộ Công Thương đưa ra đều là hạn chế tối đa đất rừng, từ đất rừng sản xuất đến đất rừng phòng hộ, riêng đất rừng tự nhiên tuyệt đối không thực hiện chủ trương đầu tư.
Khuyến cáo của Bộ Công Thương
Bộ đã khuyến cáo các địa phương không đưa vào quy hoạch các dự án thủy điện dưới 3MW và các dự án ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên. Dựa trên cơ sở nào mà Bộ đưa ra khuyến cáo này, thưa ông?
- Trước đây, các DATĐ nhỏ vốn dành cho các vùng không có điện nhưng thực tế hiện nay cho thấy, các xã đều đã có điện lưới nên việc cấp điện bằng các dự án nhỏ không còn hợp lý nữa. Thêm nữa, sau khi Ngân hàng thế giới tài trợ một vài DATĐ nhỏ nhưng khi đi vào vận hành gặp nhiều khó khăn, gây hỏng hóc thiết bị, phát lên lưới cũng sẽ bị tổn thất, không có hiệu quả kinh tế nên chúng tôi đã đề nghị không đưa các dự án này vào quy hoạch. Hơn nữa, nếu liên tục mở các dự án nhỏ thì có thể gây ảnh hưởng đến môi trường.
Các tỉnh phản ứng ra sao với đề xuất này của Bộ Công Thương, thưa ông?
- Sau khi có chỉ đạo của Bộ các tỉnh khá ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp một số tỉnh cho rằng Bộ Công Thương gây khó khăn, cản trở đầu tư vì tỉnh muốn đầu tư, nhà đầu tư cũng muốn thực hiện dự án. Thậm chí, chúng tôi cũng bị đánh giá gây cản trở địa phương khi tỉnh báo cáo dự án không ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu các tỉnh phải có quy hoạch đất rừng phòng hộ để xem dự án có “dính” đến rừng phòng hộ không. Nếu có thì phải đề nghị tỉnh có Nghị quyết của HĐND.
Bộ TN&MT đã có một số cảnh báo liên quan đến việc thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến bồi lắng và dòng chảy từ năm 2011. Xin ông cho biết, Bộ đã có những động thái gì sau khi nhận được cảnh báo từ Bộ này?
- Những cảnh báo đến ảnh hưởng bồi lắng, dòng chảy của Bộ TN&MT là khách quan và chúng tôi cũng đều có những cảnh báo đến các chủ đầu tư. Do đó, trong quá trình lập quy hoạch, dù Bộ TN&MT chưa quy định về dòng chảy tối thiểu nhưng chúng tôi đều yêu cầu các dự án phải có thông số cụ thể. Nếu dòng chảy từ suối này sang suối khác hoặc dòng chảy có thể bị ảnh hưởng nhiều thì đều rất hạn chế. Hoặc nếu trong cùng dòng suối nhưng nhà máy cách xa cũng phải xem xét ảnh hưởng phía dưới có dân không, có ruộng không, có lấy nước tưới không…
Trân trọng cảm ơn ông!
Cả trăm dự án thủy điện tiềm năng bị loại bỏ
Sau 8 năm thực hiện rà soát các dự án thủy điện theo Nghị quyết của Quốc hội, đã có trên 500 dự án thủy điện bị Bộ Công Thương loại bỏ, bao gồm cả các dự án tiềm năng.
Cụ thể, sau 8 năm liên tục (từ 2012-2019), Bộ này phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang, 471 DATĐ nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Cùng với đó là trên 100 dự án tiềm năng, có dự án lên đến khoảng 60 MW, đa phần ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, một số ít thuộc các tỉnh Tây Bắc… Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, cả năm 2019, Bộ chưa xem xét bổ sung quy hoạch các DATĐ.
Từ tháng 1/2020 đến nay, Bộ Công Thương tiếp tục thẩm định điều chỉnh, bổ sung các DATĐ. Do đó, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có DATĐ tiếp tục thực hiện việc rà soát. Cụ thể, các tỉnh phải đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành của Chủ đầu tư về quản lý an toàn đập, phương án trồng rừng thay thế, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, Quy trình vận hành hồ chứa; Các dự án đã có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Các dự án thuộc diện phải điều chỉnh quy hoạch; Các dự án tiếp tục đề nghị loại khỏi quy hoạch.
Đồng thời rà soát tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, thống kê danh mục các dự án thủy điện đủ tiêu chí để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.
Trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hiện nay, thủy điện chiếm tỷ trọng khá lớn. Các DATĐ đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 37% về điện năng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng.
Mặt khác, trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các địa phương, thực hiện tốt đồng thời nhiệm vụ phát điện và nhiệm vụ cấp nước cho hạ du mùa khô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện. Việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành của Chủ đầu tư về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa,... nhìn chung đã được thực hiện khá nghiêm túc…
Trong thời gian tới, Bộ sẽ chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và các địa phương để kiên quyết đề xuất loại khỏi quy hoạch, không cấp chủ trương đầu tư đối với các DATĐ có ảnh hưởng đến an toàn môi trường và cuộc sống của người dân. Việc cấp phép (chủ trương đầu tư) cho các DATĐ thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.
Hoàng Tú