Kiến nghị bỏ thi trắc nghiệm môn Toán kì thi THPT quốc gia: “Lỗi” nằm ở hình thức thi hay ở tư duy dạy và học?

Kiến nghị bỏ thi trắc nghiệm môn Toán kì thi THPT quốc gia: “Lỗi” nằm ở hình thức thi hay ở tư duy dạy và học?
(PLVN) - Việc GS. Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam có bức thư khẩn thiết đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét lại việc thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và nhiều môn học trong kỳ thi THPT quốc gia đã gây nhiều tranh cãi trái chiều…

“Sinh viên không có mấy chữ trong bụng”

Mới đây, phát biểu của Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội đã gây xôn xao dư luận khi bà cho rằng, phương thức thi trắc nghiệm là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…

Thầy Phạm Trung Hiếu (Hà Nội) cho biết: “Sau 3 năm áp dụng, thi trắc nghiệm môn Toán 100% ở kỳ thi THPT quốc gia đã làm thay đổi rất nhiều kể cả từ tư duy của thầy và tư duy của trò. Là người trực tiếp giảng dạy môn Toán ở  cấp THPT hàng chục năm nay, tôi thấy việc thi trắc nghiệm làm cho tư duy của học sinh bị giảm rất nhiều, mà tư duy logic trong môn Toán rất quan trọng. Khi làm bài trắc nghiệm, hầu như học sinh chỉ dùng máy tính hoặc tự đoán biết bằng tư duy ngắn gọn. Ví dụ về hình không gian, muốn giải thì phải vẽ được hình và trong hình vẽ đó học sinh tư duy thế nào để gắn kết những giả thiết, đến kết luận... bằng cả quá trình lo gic. Thực tế, học sinh có tư duy tốt thì sau này vào những ngành nghề có hình không gian như kiến trúc, xây dựng... thường rất  giỏi. Còn từ khi thi trắc nghiệm, học sinh vẽ hình rất xấu, tư duy từ hình học là hoàn toàn đoán nhận. Điều đó làm cho tư duy của học sinh bị thui chột”.

Ngoài ra, bà Dương Minh Ánh cho cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm còn tạo nên cách dạy và học, tư duy đối với môn này bị thay đổi. Thầy cô chỉ cần cho học sinh biết cách làm bài trắc nghiệm sao cho đạt kết quả bằng các mẹo làm bài. Còn học sinh chỉ cần khoanh tối đa các phương án đúng, còn lại là khoanh xác suất...”.

Và nhân việc Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh nêu vấn đề thi trắc nghiệm tại nghị trường Quốc hội, GS. Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đã công bố trên trang cá nhân của mình toàn văn bức thư ông đã gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 7/2018 có nội dung góp ý về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia.

Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho biết, đây là lá thư riêng ông gửi Phó Thủ tướng và đã được hồi âm là chuyển Bộ GD&ĐT xem xét nên ông không định công khai nội dung bức thư. Giải thích lý do công khai bức thư, ông Hải cho biết: “Tôi không thể an lòng nhìn con trai tôi luyện thi trắc nghiệm. Với trách nhiệm phụ huynh, tôi phải làm gì đó cho con mình”.

Bức thư được GS. Phùng Hồ Hải gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào  ngày 19/7/2018 - thời điểm Bộ GD&ĐT mới xác minh xong điểm thi bất thường ở Hà Giang. Các vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình chưa hề bị phát giác. Thế nhưng, ông Hải đã dự liệu: “Chắc chắn Hà Giang không phải là địa phương duy nhất xảy ra tiêu cực trong thi cử”.

“Việc dùng biện pháp trắc nghiệm để tránh quay cóp chỉ khiến cho người ta quay cóp một cách công khai, trắng trợn hơn mà thôi. Những vụ việc đã được phát giác tại Hà Giang là minh chứng cho điều này. Chắc chắn Hà Giang không phải là địa phương duy nhất xảy ra tiêu cực trong thi cử. Như vậy, khi dùng biện pháp chống tiêu cực một cách không thích hợp, vô tình chúng ta lại ép người ta phải tiêu cực mạnh hơn và hệ lụy của nó không nằm ở trong mục tiêu đỗ tốt nghiệp nữa. Vì kỳ thi còn có mục tiêu thứ hai, là xét tuyển đại học” - ông viết.

GS. Hải cảnh báo tiếp, nếu cứ tiếp tục áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam thì chắc chắn dẫn tới thất bại. Đơn cử, trong ngành Giáo dục, chúng ta đã thất bại với mô hình “tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học”, thất bại với phong trào “nói không với tiêu cực”, và đang thất bại với mô hình thi THPT quốc gia. Bởi, “bản chất của các thành công này, trên nền của công nghệ, chỉ nằm ở hai chữ: công khai và có kiểm soát.

Nhưng việc tổ chức kỳ thi THPT vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ, lại đi ngược với nguyên lý này. Và hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một vài học sinh, người ta sửa cho hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn. Có những bài thi được sửa tới hơn một ngàn phần trăm”…

Ông Hải cho rằng, riêng đối với môn Toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện nay đang ở mức báo động. Do đối phó với kiểu thi tốt nghiệp, sinh viên hoàn toàn không được chuẩn bị các kiến thức toán học căn bản để có thể tiếp thu các kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa kể đến, do chất lượng đề thi mà người ta không chọn được đúng học sinh có năng lực. Ngoài ra, thời gian học đại học đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh viên “không có mấy chữ trong bụng”…

Hai năm qua, 2 triệu em học sinh đó, cùng các thầy, các cô phải tìm đủ cách học thuộc lòng khái niệm, tập luyện các mẹo mực nhằm loại trừ các phương án để chọn phương án hợp lý nhất, luyện tập sử dụng máy tính cầm tay để giải phương trình, để tính tích phân mà không cần biết những nguyên lý cơ bản của toán học, không hề được dạy về phương pháp tư duy toán học. Toán học phổ thông đối với đại đa số các em là một sự hành xác, cốt để đạt được điểm cao tại kỳ thi.

Cái cần thay là tư duy dạy và học

Trước những phân tích trên, cho rằng thi trắc nghiệm hay tự luận đều có hai mặt của vấn đề, không ít sinh viên khối kỹ thuật bầy tỏ: "Thực ra thì em thấy mỗi cái đều có cái lợi, cái hại riêng của nó. Như thi tự luận thì giống như ngày xưa bọn em thi, có tầm bao nhiêu dạng đó nên học sinh chỉ ôn theo đó. Nhưng thi trắc nghiệm thì kiểm tra được khá nhiều. Tuy nhiên, muốn thay đổi thì phải thay đổi từ từ cả hệ thống, mỗi năm chỉnh một chút thì mới hoàn thiện được. Với kiểu ra đề ngày càng đánh đố, với hình thức thi trắc nghiệm thì em thấy cũng không ổn lắm, muốn chỉnh thì chỉnh cả chương trình học, sách và tài liệu…"

Một sinh viên khác cũng chung quan điểm: “Tôi vẫn mong cho thi cái gì cũng trắc nghiệm. Học trên đại học, bài thi rõ ràng mình làm được, hiểu rõ bản chất, thế mà thầy chấm toàn trừ điểm trình bày. Mà đề thi Bách khoa thì thôi rồi, chép “gãy tay” mới vừa kịp, thời gian đâu quan tâm đến trình bày. Rồi nhiều thầy chấm bài nhiều quá, thành ra mệt mỏi, đọc qua mà chưa hiểu lắm thì gạch bỏ, trừ điểm. Chuyện đó chính miệng thầy cô nói chứ không phải là lời đồn.

Mấy môn thi trắc nghiệm làm được bao nhiêu thì điểm bấy nhiêu. Tự luận thì bị trừ điểm không đáng. Hồi THPT, tôi thi trắc nghiệm suốt, cảm thấy óc phản xạ và thao tác giải toán nhanh nhạy hẳn ra. Lên đại học thi tự luận phải làm từ trình bày, riết rồi thao tác giải toán chậm hơn đi nhiều. Trắc nghiệm tiết kiệm thời gian và chi phí hơn, khách quan hơn. 

Hơn nữa, hiện đã thi 100% trắc nghiệm cũng 3 năm, các bạn đã rèn luyện tư duy làm bài quen với trắc nghiệm, không nên thay đổi thêm nữa. Dù sao muốn làm trắc nghiệm các bạn cũng phải học từ tự luận lên. Dù một số câu có thể mò, hoặc ăn may, nhưng vẫn có rất nhiều câu bắt buộc phải giải theo kiểu tự luận mới ra.

Trắc nghiệm sẽ dồn được nhiều câu hơn, bắt buộc học sinh phải tư duy nhanh hơn, mình phải vận dụng toàn bộ những gì mình có được để giải quyết một vấn đề một cách nhanh nhất, tối ưu nhất (máy tính, tư duy, khả năng tính nhẩm, may mắn, kỹ năng, kinh nghiệm,...) nên tôi nghĩ đừng nên thay đổi nữa. Chủ yếu là thay đổi tư duy người dạy và người học thì hay hơn”. 

Ngược lại các quan điểm trên, Phan Văn Anh, học sinh lớp 11 ở Đồng Nai chia sẻ: “Em rất thích môn Toán nhưng giờ cũng mất dần hứng thú. Trên lớp, các cột điểm Toán gần như là trắc nghiệm, chỉ còn vài bài tự luận. Thực sự trắc nghiệm có thể làm các bước rất vắn tắt đều cho ra kết quả, như thế là không hề tốt, học sinh không thể thấu hiểu hoàn toàn lời giải của mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khi đi làm, người được đào tạo cũng giải quyết công việc như vậy? Em mong Bộ GD-ĐT xem xét lại...”.

Theo thầy Phạm Trung Hiếu (Hà Nội), do môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm nên ở trên lớp các thầy cô cũng dạy và kiểm tra theo hình thức như vậy, vì nếu cứ làm tự luận thì không kịp thời gian. Ở các nước tiên tiến họ cũng thi trắc nghiệm nhưng khi áp dụng về nước mình phải xem xét kỹ xem đã đủ cơ sở, đủ năng lực tư duy để làm hay chưa…

Do đó, với tâm huyết của một giáo viên lâu năm, thầy Hiếu đề nghị các chuyên gia giáo dục, các thầy, cô giáo có trách nhiệm, có tâm huyết cần phải  lên tiếng đề nghị xem xét lại cách thi để phát huy được trí lực tư duy của học sinh. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT cho rằng, thi trắc nghiệm có giảm được tiêu cực nhưng thực tế cho thấy, tiêu cực ở thi trắc nghiệm còn kinh khủng hơn so với thi tự luận. Hơn nữa, môn Toán, trên hành trình đi tìm lời giải, luôn có vẻ đẹp riêng, với những con đường khác nhau, làm nên tình yêu và niềm say mê môn Toán… 

GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: 

Trắc nghiệm không lo trình độ của người chấm

 

Việc thi trắc nghiệm môn Toán là phù hợp cho kỳ thi đánh giá quy mô lớn như thi THPT quốc gia hiện nay. Hình thức thi này khắc phục được nhiều hạn chế của thi tự luận như: Đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh thay vì chỉ đánh giá được một vài phần kiến thức của thi tự luận; học sinh phải học toàn diện thay vì học tủ - thi tủ như thi tự luận. Đặc biệt, việc chấm thi trắc nghiệm bằng máy sẽ khách quan, chính xác hơn chấm thi tự luận do phụ thuộc vào khả năng chuyên môn của người chấm. Chất lượng của hình thức thi trắc nghiệm được quyết định bằng chất lượng của đề thi, mà đề thi khi đầu tư nhiều thời gian sẽ có thể làm tốt. Nhưng chất lượng thi tự luận lại phụ thuộc vào năng lực của người chấm thi. Đối với kỳ thi như thi THPT quốc gia, ta không thể có được đội ngũ 100% người chấm có trình độ chuyên môn cao để chấm được hàng triệu bài thi một cách chất lượng trong một thời gian ngắn. Do đó, thi trắc nghiệm với bài thi chấm bằng máy tính sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.

Ngoài ra, khi thi tự luận, do trình độ người chấm khác nhau nên buộc phải làm thang điểm tỉ mỉ bằng cách chia nhỏ bài thi thành nhiều ý để đếm ý tính điểm. Với cách chấm này, chẳng khác nào biến một đề tự luận có thể tốt thành một đề trắc nghiệm tồi. Bởi lẽ, trắc nghiệm chính là cách đếm ý để tính điểm, nhưng đề thi được thiết kế ngay từ đầu lựa chọn ý nào, cấp độ khó dễ thế nào. Việc chọn hình thức thi nào phụ thuộc vào mục tiêu của kỳ thi. Thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học là kỳ thi phân loại thô, chọn hình thức trắc nghiệm và một phần nhỏ tự luận (nếu cần thiết) là thích hợp. Còn thi Olympic Toán học để tuyển chọn nhân tài thì không nên dùng hình thức trắc nghiệm.

Ông Đào Tuấn Đạt, phụ trách chuyên môn Trường THPT Anhxtanh: 

Các thầy sẽ đưa ra những công thức “thần thánh”…

 

Theo tôi, việc thi trắc nghiệm sẽ  hại nhiều hơn lợi khi kiến thức bị “băm nát” nên người học không có cái nhìn tổng thể. Tức là “sờ đuôi voi nói đuôi”, sờ tai nói tai… nhưng không biết cả con voi. Cùng với đó, không quan tâm quá trình mà chỉ quan tâm kết quả thì sẽ không biết tại sao lại thế? Không biết sẽ đồng nghĩa với học vẹt và chỉ đủ trình độ đi làm nhưng đã có thợ dạy và máy tính thuê cho thiên hạ. Chúng ta sẽ mất đi vẻ đẹp của toán, những từ ngữ quan trọng cũng biến mất: hãy chứng minh, hãy giải thích, hãy giải bài toán bằng nhiều cách… Các thầy dạy sẽ học “hộ” học sinh, đưa ra các công thức “thần thánh” cho học trò tụng niệm. Và máy chấm cũng có thể sai tới 2,5 điểm nếu câu hỏi có 4 phương án trả lời. Và điều đáng nói, con người đang vận dụng máy móc chấm thi… 

Uyên Na (tổng hợp) 

Đọc thêm

Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô': Hành trình dạy - học hạnh phúc

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tôn vinh các thầy cô xuất sắc tiêu biểu tại những vùng khó khăn trên cả nước. (Ảnh: T.Ư Đoàn)
(PLVN) - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vừa công bố danh sách 60 gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Đây là năm thứ 10 Chương trình đồng hành lan tỏa thông điệp dạy học hạnh phúc của các thầy cô trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được 'nâng cấp'

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu (Ảnh: Bộ GD&ĐT)
(PLVN) - Đề cập tới một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp
(PLVN) - Sáng ngày 28/10/2024, tại Hội trường lớn, Khoa Kinh tế, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Kế toán - Kiểm toán góc nhìn thực tiễn”. Sự kiện thu hút hơn 500 sinh viên tham dự cùng các chuyên gia đầu ngành, mang đến cơ hội quý báu để các bạn trẻ khám phá sâu hơn về nghề nghiệp.

Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh: Phụ huynh cần gương mẫu trong chấp hành pháp luật

Lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. (Nguồn: THPT Việt Đức)
(PLVN) - Sau gần một tháng ra quân mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh, tình trạng học sinh (HS) vi phạm tại các điểm trường trên cả nước đã giảm và có sự chuyển biến tích cực. Thế nhưng, bên cạnh thay đổi tích cực từ phía HS, các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ từ phía phụ huynh lại có dấu hiệu tăng cao.

Kiên cố hóa trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục

Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được “thay áo mới” nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp. (Nguồn: THCS Lê Lợi)
(PLVN) - Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực cho công việc kiên cố hóa trường học. Nhưng vì số trường học trong cả nước rất lớn - trên 53.000 trường học, trong khi đất nước nguồn lực còn hạn chế, nên việc kiên cố hóa trường học luôn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Kỷ luật hiệu trưởng nếu bị dư luận phản ánh xảy ra lạm thu

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Sở GD&ĐT TP HCM ra văn bản chỉ đạo : ãnh đạo phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường tại TP HCM bị dư luận, báo chí phản ánh phải tổ chức kiểm điểm cá nhân và người đứng đầu đơn vị, giải trình, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể liên quan đến tình trạng lạm thu.