Đây là những nội dung quan trọng đã được Bộ GD-ĐT bàn thảo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 với sự tham dự của giám đốc 63 sở GD-ĐT. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.Tiêu cực cá biệt nhưng nghiêm trọng
Thưa ông, kỳ thi THPTQG năm 2018 đã được đánh giá ra sao khi những tiêu cực ở Hà Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình đã gây ra bao tổn thương, hệ lụy? Vậy bài học nào là quan trọng nhất trong tổ chức kỳ thi đã được chỉ ra tại cuộc họp này?
- Trên tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, các đại biểu dự họp đồng tình cao một số đánh giá về kỳ thi THPTQG 2018. Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương. Các đại biểu đồng tình với cách xử lý quyết liệt của Bộ, đúng người, đúng việc, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh và bảo vệ danh dự cho đông đảo đội ngũ nhà giáo. Đồng thời thống nhất cao đây là dịp để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPTQG những năm tới.
Vì thế, xuyên suốt, nổi bật và thống nhất cao trong cuộc họp là việc lựa chọn những con người cụ thể để tham gia vào các khâu của quá trình tổ chức thi. Dù quy trình, quy chế, các quy định có mạch lạc, đầy đủ đến mấy nhưng người tham gia vào quy trình này có tinh thần trách nhiệm không cao, thậm chí có ý đồ thì hoàn toàn có thể tìm mọi cách để thay đổi hoặc cắt xén quy trình đó. Do đó, một trong những bài học quan trọng là việc lựa chọn con người, nhân sự cụ thể để tham gia vào từng khâu của kỳ thi, đặc biệt là những khâu có tính bảo mật cao.
Vậy Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT đã thống nhất những điểm nào sẽ được điều chỉnh trong kỳ thi THPTQG năm sau?
- Kỳ thi THPTQG được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy học, kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh. Vì vậy, nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPTQG đến hết năm 2020, tất nhiên là kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn. Cụ thể, có đề xuất một số phương hướng cho năm 2019 và năm 2020 như sau:
Thứ nhất, rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện quy chế thi và hướng dẫn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn; xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi; cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong kỳ thi. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của kỳ thi THPTQG. Thứ ba, cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực. Thứ tư, cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi; xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm). Thứ năm, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát. Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng thi.
Với các giải pháp đồng bộ như vậy, chúng tôi sẽ cụ thể hóa trong quy chế và trong hướng dẫn để làm sao việc triển khai thuận lợi và nhuần nhuyễn trong những năm tới.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT |
Làm sao để người gian lận không thể “lách”?
Việc chấm chéo giữa các địa phương không mới và đã từng xảy ra câu chuyện 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bắt tay nhau trong điều chỉnh kết quả chấm thi. Có ý kiến cho rằng, có lẽ nên để Bộ GD-ĐT tổ chức chấm thi tập trung ngay tại Bộ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đúng là những năm trước đây chúng ta đã tổ chức chấm chéo, nhưng bối cảnh tổ chức kỳ thi của những năm trước khác giờ nhiều. Nay chúng ta có thuận lợi về công nghệ. Với những giải pháp công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và các giải pháp kèm theo nữa, thì giả sử vẫn là chấm chéo nhưng có thể cách thức tổ chức cụ thể sẽ khác. Chúng tôi sẽ cân nhắc một cách thận trọng.
Và chắc chắn những bài học kinh nghiệm, những gì diễn ra trong quá khứ sẽ được cân nhắc cụ thể để làm sao kế thừa, chắt lọc những tinh hoa, thuận lợi, nhưng phải áp dụng cụ thể với điều kiện hiện nay. Đặc biệt là tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm việc chấm thi khách quan. Làm sao người ta muốn gian lận cũng không gian lận được, hoặc nếu giả sử gian lận thì chắc chắn sẽ được phát hiện.
Vậy bao giờ chúng ta có thể chốt phương án tổ chức coi thi, chấm thi cuối cùng cho kỳ thi năm sau?
- Chúng tôi có lời nhắn đến các học sinh lớp 12 năm nay: Các thay đổi, điều chỉnh trong kỳ thi THPTQG 2019 và những năm tới đây đều hướng tới bảo đảm cho kỳ thi thực chất, công bằng hơn, hướng tới thuận lợi cho thí sinh. Thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Những điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. Nên các em yên tâm học tập.
Chúng tôi sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn trong thời gian sớm nhất. Thời gian thi cố gắng giữ ổn định để các Sở GD-ĐT chủ động trong kế hoạch năm học. Tôi đề nghị các Sở GD-ĐT chủ động triển khai kế hoạch năm học theo hướng dẫn để bảo đảm, thi không phải là mục tiêu cuối cùng mà quan trọng hơn là tổ chức giảng dạy để học sinh có kiến thức, kĩ năng tốt nhất bước vào kỳ thi này cũng như có thể sẵn sàng bước vào cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!
* Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam:
Mã hóa để không biết bài thi của ai
Cần đầu tư thêm vào ngân hàng đề thi để làm sao sự phân hóa đề đạt như mong muốn. Ngoài ra cũng nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm. Người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn, tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể các em hỏi các bạn và về điều chỉnh. Ngoài ra, phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi.
* Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa:
Trước hết Bộ GD-ĐT phải hoàn thiện khâu đề thi
Các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi phải làm sao đánh giá được kiến thức và năng lực, trình độ của học sinh, tránh đòi hỏi cao quá hoặc dễ quá. Và cần nghiên cứu khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm để có thể mã hóa về phách, cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong. Khâu chấm quan trọng nhưng dù thế nào cũng là do con người. Nếu quy trình không xác định rõ nhận thức của người làm công tác coi thi, chấm thi thì sẽ nảy sinh tiêu cực, vì thế điều quan trọng nhất là trước khi kỳ thi phải quán triệt các quy định, quy chế, để làm sao không có sự tiêu cực ở trong mỗi khâu.
* Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam:
Cần có “ma trận” chấm thi
Không nên chấm chéo mà nên có “ma trận” tổ chức chấm thi để tránh hiện tượng bắt tay nhau giữa các tỉnh. “Ma trận” chấm thi sẽ phức tạp hơn chấm chéo giữa 2 tỉnh với nhau nhưng cũng sẽ chặt chẽ, bảo đảm sự công bằng, khách quan hơn. Thêm vào đó, phải xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú hơn, đa dạng hơn, theo hướng đánh giá năng lực học sinh chứ không phải theo sách giáo khoa. Từ năm 2021-2023, nên thi 2-3 lần/năm, tổ chức thi chuyên trên máy tính, thí điểm trước ở những địa phương tự nguyện và đến năm 2024 tổ chức thi chính thức với 3 môn thi bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh cũng có thể chọn môn thi chuyên biệt để tuyển sinh vào ĐH, còn việc tuyển sinh để các trường ĐH tự chủ.
* TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT:
Tách thí sinh thi tốt nghiệp và thi ĐH
Nên gọi kỳ thi THPTQG là kỳ thi “2 trong 1 buổi”. Đề thi sẽ có 2 phần, một phần để tốt nghiệp THPT và phần còn lại cho thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ. Học sinh nào không có nhu cầu thi ĐH cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Người nào muốn thi ĐH sẽ tiếp tục làm bài. Chủ trương thi tại địa phương là đúng, giảm áp lực nhưng tổ chức thực hiện như thế nào cho tốt lại là vấn đề cần bàn kỹ. Phần bài thi ĐH nên do trường ĐH chủ trì để bảo đảm sự khách quan, công bằng.