Vốn ngân sách chưa tới 17,5%
Thông tin tại hội nghị “Đánh giá chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), chế biến và thương mại lâm sản” do Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) tổ chức mới đây cho biết, tổng kinh phí huy động để thực hiện phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 50.231 tỷ đồng, đạt 84,3% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 8.756 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, vốn ODA và các nguồn khác khoảng 41.485 tỷ đồng.
Theo đánh giá của TCLN, việc thực hiện các chính sách đầu tư về BV&PTR thời gian vừa qua đã và đang phát huy hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu tích cực, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng hiện có, cải thiện đời sống những người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa; từng bước khẳng định ví trí, vai trò của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Đặc biệt, đến nay đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, với nhiều thành phần kinh tế; hàng năm đã sản xuất, chế biến và xuất khẩu nhiều sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị tăng cao, có kim ngạch xuất khẩu duy trì ổn định mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2014 đến nay, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng và của cả nước nói chung…
Tuy nhiên theo Phó Tổng cục trưởng TCLN, ông Bùi Chính Nghĩa, mức đầu tư trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng còn thấp. Đặc biệt, thiếu chính sách thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào làm giàu rừng và xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên.
“Trên thực tế, nhiều diện tích rừng tự nhiên giao cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được quản lý, bảo vệ tốt nhưng thiếu chính sách hưởng lợi cụ thể…”- ông Nghĩa dẫn chứng.
Thiếu các quy định
Theo TCLN, hiện các chính sách về lâm nghiệp đang được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, có các mức đầu tư cho các đối tượng rất khác nhau, trong khi đó Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 15/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp đã có nhiều quy định mới về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Rà soát 18 văn bản, gồm 3 luật, 9 Nghị định của Chính phủ, 3 quyết định của Thủ tưởng Chính phủ, 3 Thông tư liên tịch, TCLN cho biết, trừ các hoạt động khoa học, công nghệ, lĩnh vực nào cũng thiếu các quy định.
Cụ thể, đối với rừng đặc dụng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP có 29 hoạt động đầu tư và 6 hoạt động hỗ trợ đầu tư, nhưng hiện còn 13 hoạt động đầu tư và 5 hoạt động hỗ trợ đầu tư còn thiếu hướng dẫn.
Đối với lĩnh vực rừng phòng hộ, có 29 hoạt động đầu tư và 6 hoạt động hỗ trợ đầu tư nhưng đến nay có 28 hoạt động đầu tư và 5 hoạt động đầu tư chưa có quy định…
Đối với rừng sản xuất, có 8 hoạt động đầu tư, 16 hoạt động hỗ trợ đầu tư và 4 hoạt động ưu đãi đầu tư nhưng đến nay có 8 hoạt động đầu tư và 5 hoạt động hỗ trợ đầu tư chưa có quy định
Đối với chính sách về phòng cháy và chữa cháy rừng, hiện còn thiếu quy định về nguồn kinh phí, mức chi, nội dung chi cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng, chi trực cháy rừng, chi cho người tham gia chữa cháy rừng…
Chờ thêm 2 năm cho... đồng bộ
Tại Hội nghị, TCLN đã đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian trình dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư BV&PTR, chế biến và thương mại lâm sản đến Quý IV/2022.
Lý do được đưa ra là năm 2020, Bộ NN&PTNT đang triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lâm nghiệp để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt gồm: Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia; Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2015.
“Đây là những nội dung quan trọng, là cơ sở xác định nguồn lực và phạm vi đầu tư cho đề xuất xây dựng nghị định về chính sách đầu tư BV&PTR, chế biến và thương mại lâm sản. Qua đó sẽ kết hợp tổ chức, đánh giá, tổng kết các chính sách hiện hành làm cơ sở xây dựng chính sách mới phù hợp với định hướng phát triển cho ngành”- Phó Tổng cục trưởng TCLN Bùi Chính Nghĩa lý giải.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện tuy chưa có chính sách mới nhưng các chính sách đầu tư lâm nghiệp vẫn được thực hiện trên cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 91 Nghị định 156/2018/NĐ-CP: “Các chương trình, dự án và hoạt động BV&PTR, chế biến và lâm sản thương mại được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư theo các chính sách hiện hành được tiếp tục thực hiện cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới”.
Xin được nhắc lại, vốn đầu tư của ngân sách cho phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 chưa tới 17,5%.
Cơ chế chính sách cũng cần phải chuyển hướng đầu tư
Khẳng định cơ chế chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp trong nhiều năm qua đã từng bước được hoàn thiện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hơn 15%/năm,Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, với mục tiêu của ngành là tập trung vào nâng cao chất lượng rừng, nâng cao các liên kết theo chuỗi để nâng cao chuỗi giá trị trong sản phẩm lâm nghiệp, do đó cơ chế chính sách cũng phải chuyển hướng đầu tư.
Thứ trưởng lưu ý, chính sách cần phân định rõ là Nhà nước sẽ đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để đảm bảo môi trường cũng như đa dạng sinh học lâu dài của đất nước. Cùng với đó, hỗ trợ cho việc phát triển sản xuất nhưng cơ bản là hỗ trợ về nguồn lực, hỗ trợ cho những hộ nông dân nghèo, những người yếu thế để tiếp cận được với những chính sách nâng cao đời sống gắn với bảo vệ phát triển rừng và hỗ trợ về thị trường.