“Với tiềm lực và thời cơ thuận lợi hiện nay, nếu giảm thiểu được những tổn thất do đầu tư kém hiệu quả vào khu vực công và phát huy mạnh tiềm năng của khu vực tư nhân thì mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lẽ ra phải là 9% đến 10% chứ không phải 7% đến 8% như hiện nay” – ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – nói.
DN nhỏ, liên kết lỏng lẻo
Dù pháp luật quy định các DN có quyền bình đẳng như nhau, nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn còn phân biệt DN nhà nước với DN nhỏ và vừa (DNNVV) nên các DNNVV gặp nhiều khó khăn khi vay vốn. Bà Phạm Thị Minh Nghĩa - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội) – kể, nhiều DN khi đến với Trung tâm của bà họ có luận chứng kinh tế rất khả quan và có mời các bên hữu quan: ngân hàng, trung tâm trợ giúp và các hiệp hội đến tận nơi để xem cơ cở vật chất, quy mô cũng như định hướng mở rộng và phát triển.
“Các bên cũng thừa nhận DNNVV làm ăn rất bài bản nhưng ngặt nỗi là họ là những DN tư nhân nên các ngân hàng đắn đo. Ngân hàng ngại cho vay vì họ thuê mặt bằng sản xuất, các rủi do về kinh doanh sẽ đến bất cứ lúc nào nếu DN làm ăn thua lỗ, không xuất được hàng” – bà Nghĩa nói.
Một điều làm cho các DNNVV đã nhỏ lại càng yếu là khả năng liên kết giữa các DNNVV với nhau và tận dụng các liên kết với DN nước ngoài còn hạn chế. Chính vì thế, rất ít DNNVV dám mạnh dạn, tự tin bước ra sân chơi lớn WTO.
“Trong cạnh tranh, liên kết là sức mạnh, nhưng khả năng sẵn sàng liên kết của các DNNVV của Việt Nam là chưa cao. Liên kết DN và xây dựng thương hiệu là giải pháp cạnh tranh trong sân chơi lớn. Tuy nhiên cả hai khía cạnh này các DNNVV Việt Nam còn rất yếu.” – bà Nghĩa bình luận.
Điểm yếu này cũng gây trở ngại khi các tổ chức nước ngoài muốn giúp đỡ các DNNVV Việt Nam, bởi các DNNVV cũng hạn chế ý thức hợp tác theo chiều sâu và bền vững.
Nhiều rào cản ngăn DN nhỏ
Nhiều DNNVV có tâm trạng như Cty cổ phần cảm nhận, cảm biến Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hiền – Giám đốc Cty – than vãn: “Chúng tôi là DN thường xuyên phải nhập khẩu linh kiện, nhưng khi chúng tôi có nhu cầu cần nhập hàng thì ngân hàng lại không bán USD cho chúng tôi. Họ viện lý do từ yêu cầu hạn chế nhập siêu của Bộ Công Thương. Nhưng phải hiểu rõ vấn đề như thế nào là nhập siêu? Có một điều rất khó hiểu, khi chúng tôi mang tiền ra ngoài thị trường mua USD về thì ngân hàng lại hết sức “hoan nghênh”.
Khi DN tự lo được ngoại tệ thì ngân hàng sẵn sàng chuyển ngay ra nước ngoài để nhập khẩu máy móc về”. Đây cũng là vấn đề nhiều DN rất băn khoăn.
Nếu tuân thủ chủ trương của Chính phủ không giao dịch USD ngoài “chợ đen” thì DN cũng không được tạo điều kiện mua USD trong ngân hàng. “Đây là một vòng luẩn quẩn, với cách làm việc này, bản thân cách điều hành của các ngân hàng đang có vấn đề” – bà Hiền nói.
Một rào cản khác tác động đến phát triển của DNNVV là chính sách đất đai và mặt bằng sản xuất. Qua rồi thời DNNVV chỉ phát triển thông qua quỹ đất đai do gia đình, dòng họ tự có hoặc thuê địa điểm. Nhưng khi muốn mở rộng sản xuất thì DNNVV cần quy mô lớn hơn và hạ tầng cơ sở tốt hơn. Trong khi các khu, cụm công nghiệp và làng nghề cho DNNVV chưa có hoặc chưa phát triển được, các DN thường phải thuê lại mặt bằng của các công ty khác hoặc DN nhà nước. “Vì vậy, vòng lẩn quẩn giữa quyền sử dụng đất của DN và quyền được vay vốn sản xuất tiếp tục là lý do mà các ngân hàng đưa ra khiến các DN không thể vay vốn sản xuất và kìm hãm DN” - Ông Trần Đình Cường - Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô AG – phàn nàn.
Ông Cường đưa ra ví dụ cty ông đang phải thuê lại mặt bằng của một DNNN làm ăn thua lỗ. “Họ có sẵn đất và giờ họ cho 18 DN thuê lại địa điểm để sản xuất kinh doanh. Họ vẫn được tồn tại dù trên thực tế đây là hoạt động kinh doanh trái quy định của Luật DN và hoạt động của DNNN”.
Không những phải thuê với chi phí đắt đỏ, điều DNNVV lo ngại hơn là với những hợp đồng thuê 3 – 5 năm, DN không thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và có lãi từ máy móc, sản phẩm mình.
Nguyễn Việt