Vậy mà, sau hơn 1 năm qua, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn không xử lý mà còn tiếp tục ban hành văn bản thay thế không phù hợp và đề xuất, kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện các quy định trái pháp luật này.
Quảng Ninh: “Xin phép” được áp dụng quy định đặc thù
Cụ thể, đó là Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và Quyết định số 3625/QĐ-UBND ngày 16/11/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tạm dừng đóng mới thay thế tàu vỏ gỗ hoạt động du lịch trên hai vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Vào cuộc kiểm tra hơn 1 năm trước – ngày 10/3/2016, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) – Bộ Tư pháp đã ra Thông báo số 119/KTrVB-RSHTH&HN đối với các nội dung trái pháp luật tại quy định kèm theo Quyết định số 4088 và Quyết định số 3625 được ban hành không đúng thẩm quyền, trái với Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, sửa đổi năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Hiến pháp năm 2013.
Trong thông báo kiểm tra văn bản cũng nêu rõ những nội dung trái luật tại 02 Quyết định này, đặc biệt là quy định về niên hạn, vật liệu đóng tàu du lịch tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư kinh doanh, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long của tỉnh Quảng Ninh. Quá trình kiểm tra các văn bản này còn có sự tham gia và đồng thuận của các bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Trên cơ sở yêu cầu của Cục Kiểm tra VBQPPL, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo nghiên cứu và ban hành Quyết định số 1069/2016/QD-UBND ngày 8/4/2016 sửa đổi một số nội dung tại Quyết định 4088 và Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 1/4/2016 phê duyệt Kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2020. Đồng thời, ngày 8/4/2016, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành Nghị quyết số 24/2016/NQ-HĐND về việc thông qua một số quy định đặc thù tạm thời để nâng cao chất lượng và quản lý hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Tuy nhiên, các văn bản trên tiếp tục có những nội dung được ban hành không đúng thẩm quyền, trái pháp luật, do đó Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp đã ra Thông báo số 32/KTrVB-RSHTH&HN ngày 10/6/2016 đối với các nội dung trái pháp luật tại Nghị quyết 241, Quyết định 1069, Quyết định 998, đồng thời đôn đốc xử lý đối với các nội dung trái pháp luật tại Quyết định 4088, Quyết định 3625. Từ đó đề nghị HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh xử lý, bãi bỏ nội dung trái pháp luật tại 05 văn bản trên.
Trong Báo cáo giải trình số 08/BC-UBND hồi tháng 01/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn cho rằng, các văn bản của UBND tỉnh đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết các doanh nghiệp, chủ tàu kinh doanh trên vịnh và cho biết đã chấm dứt hiệu lực thi hành Quyết định 3625 tại Quyết định 4181/QĐ-UBND ngày 14/12/2016. Cũng tại Báo cáo số 08/BC-UBND, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho phép và giao UBND tỉnh thực hiện thí điểm quy định về thời hạn hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long để đảm bảo an toàn cho du khách và tài sản. UBND tỉnh nhấn mạnh: Các quy định tạm thời về quản lý tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đã được HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động ban hành và đã phát huy hiệu quả cao; quản lý đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long phát triển theo hướng hiện đại, đảm bảo không phát triển nóng số lượng tàu…
Bộ Tư pháp: Ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh
Tuy nhiên, gần đây, Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 592/BTP-KTrVB về việc cho ý kiến đối với Báo cáo giải trình của UBND tỉnh Quảng Ninh về vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Theo đó, Bộ Tư pháp một lần nữa nhấn mạnh về việc cần thiết xử lý ngay những quy định trái pháp luật tại 05 văn bản của HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là quy định về niên hạn và vật liệu đóng tàu du lịch. Văn bản của Bộ Tư pháp đã nêu rõ quy định về việc rút ngắn niên hạn sử dụng tối đa của tàu vỏ gỗ từ 25 năm xuống còn 15 năm, của tàu vỏ kim loại từ 35 năm xuống còn 25 năm là trái với Nghị định số 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, chủ tàu kinh doanh trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Liên quan đến quy định sơn trắng mặt ngoài tàu du lịch, Bộ Tư pháp đã làm rõ tính trái pháp luật của quy định này và thông báo đề nghị UBND tỉnh kịp thời bãi bỏ. Những giải trình của UBND tỉnh Quảng Ninh tại Báo cáo 08 là không có cơ sở pháp lý. Hơn nữa, quy định này trên thực tế không nhận được sự đồng thuận của các chủ tàu du lịch như UBND tỉnh đã báo cáo, thậm chí dẫn đến tình trạng khiếu nại của nhiều doanh nghiệp.
Đối với việc xử lý Quyết định 3625, Bộ Tư pháp khẳng định UBND tỉnh đã vi phạm về thời hạn xử lý văn bản trái pháp luật (hơn 9 tháng sau mới xử lý bằng Quyết định 4181 trong khi quy định là 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền - PV). Ngoài ra, đến nay, Bộ Tư pháp chưa nhận được thông tin về kết quả xử lý, chưa được tiếp cận với Quyết định 4181. Bên cạnh đó, 4 Quyết định 4088, 3625, 1069, 998 và Nghị quyết 241 đều đã quá thời hạn xử lý.
Đặc biệt, qua thông tin kiến nghị, phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể du thuyền Hạ Long gửi đến Bộ Tư pháp cho thấy, các quy định trái pháp luật trong các văn bản của tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục được áp dụng, viện dẫn làm cơ sở để UBND TP Hạ Long từ chối cấp phép rời cảng, bến, đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đối với các tàu du lịch, ảnh hưởng xấu đến quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên 2 vịnh. Sau nhiều lần ra Thông báo và đôn đốc việc xử lý văn bản, Bộ Tư pháp đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh có biện pháp xử lý triệt để những văn bản trái pháp luật nói trên. “Việc UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng các quy định trái pháp luật của HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh là không đúng pháp luật. Việc tiếp tục áp dụng các quy định này có thể tạo thuận lợi trước mắt cho hoạt động quản lý của UBND tỉnh nhưng về lâu dài sẽ tác động không tốt đến tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật; ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh” – Văn bản của Bộ Tư pháp nhấn mạnh.