Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là một loại giấy tờ được cấp để xác định tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Hiện nay, việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là một thủ tục hành chính được thực hiện tại UBND cấp xã. Nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ là “chưa kết hôn với ai”, hoặc “đã có vợ/chồng, hoặc “đã ly hôn” … Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sau khi được cấp sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: để kết hôn với người khác, hoặc để xác định tài sản chung, tài sản riêng của cá nhân hoặc mục đích khác.
Ý nghĩa và mục đích chính của việc xác nhận tình trạng hôn nhân là nhằm chứng minh tình trạng hôn nhân của một người tại một khoảng thời gian nhất định, có thể là một khoảng thời gian trong quá khứ, hoặc khoảng thời gian từ thời điểm trong quá khứ đến thời điểm hiện tại (thời điểm đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân).
Như vậy, sẽ có 2 khoảng thời gian được xem xét xác định tình trạng hôn nhân, gồm: thứ nhất, là khoảng thời gian trong quá khứ; thứ hai, là khoảng thời gian từ thời điểm trong quá khứ đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên về thời hạn mà Giấy này có giá trị sử dụng thì chỉ có “một”.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp”. Theo quan điểm của chúng tôi, quy định này là hợp lý và cần thiết đối với trường hợp thứ hai là cần chứng minh tình trạng hôn nhân tại thời điểm yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Quy định này nhằm ngăn cản việc sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với mục đích đăng ký kết hôn xảy ra sau 6 tháng kể từ ngày cấp, vì vào thời điểm này tình trạng hôn nhân của người được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thể thay đổi, không còn đúng với thời điểm được cấp Giấy trước đó.
Ví dụ: Anh A có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với chị B. A được cấp Giấy này vào ngày 01/01/2019, được xác định là “chưa kết hôn với ai”. Tuy nhiên, đến ngày 01/8/2019 anh A mới làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị B. Trong trường hợp này, anh A không thể sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp vào ngày 01/01/2019 để làm thủ tục đăng ký kết hôn, vì đơn giản là tình trạng hôn nhân của anh A có thể đã thay đổi, Giấy này sẽ không còn giá trị sử dụng, nên theo quy định của pháp luật, anh A phải tiến hành xác định lại tình trạng hôn nhân của mình.
Thế nhưng, đối với các trường hợp thứ nhất là yêu cầu xác định tình trạng hôn nhân trong khoảng thời gian cố định đã xảy ra và được xác định rõ trong quá khứ thì tình trạng hôn nhân của người được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không thay đổi. Do đó, trong trường hợp này, nếu vẫn quy định bắt buộc phải làm thủ tục cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sau 6 tháng là không hợp lý, gây phiền hà và lãng phí thời gian, chi phí cho người có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính.
Ví dụ: Anh A sinh năm 1980. Ngày 01/01/2019, anh A có nhu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân từ thời điểm anh A đủ 20 tuổi (năm 2000) cho đến ngày anh A nhận chuyển nhượng một lô đất vào năm 2015 (mục đích để chứng minh lô đất này là tài sản riêng của anh A, vì tại thời điểm nhận chuyển nhượng đất anh A chưa kết hôn). Mặc dù tại thời điểm đề nghị cấp Giấy này, anh A đã kết hôn, nhưng anh A vẫn được UBND phường X xác nhận “chưa đăng ký kết hôn với ai” trong khoảng thời gian từ năm anh A 20 tuổi đến năm 2015.
Theo quy định hiện hành thì Giấy này chỉ có giá trị trong 6 tháng kể từ ngày cấp, tức là kể từ 01/07/2019, Giấy này không còn giá trị và nếu anh A muốn tiếp tục giao dịch lô đất này thì phải đi làm thủ tục cấp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khác. Trong trường hợp này cho dù có cấp lại giấy khác thì một điều chắc chắn là trong khoảng thời gian từ năm anh A 20 tuổi đến năm 2015, tình trạng hôn nhân của anh A cũng không thay đổi, vẫn sẽ được xác định là “chưa đăng ký kết hôn với ai”.
Như vậy, đối với trường hợp nêu trên, nếu thực hiện lại thủ tục này sẽ gây lãng phí về thời gian, chi phí thực hiện; đồng thời làm mất thời gian giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước. Tất cả những “hao tổn” này đều đi ngược lại mục tiêu “loại bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, không cần thiết; cắt giảm chi phí tuân thủ hành chính” đã được xác định rõ trong các chủ trương cải cách hành chính hiện nay của Nhà nước ta.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp sửa đổi lại quy định tại Điều 23, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng quy định “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp. Trường hợp việc xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện trong khoảng thời gian cố định trong quá khứ, trước thời điểm cấp Giấy này thì không xác định thời hạn sử dụng”cho phù hợp. Có nghĩa là chúng ta chỉ xác định “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp” đối với trường hợp yêu cầu xác định tình trạng hôn nhân đến thời điểm cấp Giấy. Ngược lại, nếu tình trạng hôn nhân được yêu cầu xác định trong khoảng thời gian trong quá khứ thì không nhất thiết phải quy định khống chế về thời gian có giá trị của Giấy này vì tình trạng hôn nhân chắc chắn không thể thay đổi. Thiết nghĩ, nội dung trao đổi, đề xuất trên đây có thể sử dụng làm một phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hành chính Tư pháp hiện nay.