Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa, bán hết vốn nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải chịu trách nhiệm cả về thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và không để mất vốn, tiêu cực.
Đối với 5 dự án đầu tư gây thua lỗ, lãng phí đã báo cáo Quốc hội, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương có biện pháp xử lý ngay, “không để tình trạng đắp chiếu để đấy”; kỳ họp tới phải báo cáo Quốc hội cụ thể kết quả xử lý. Phải bảo đảm thu hồi tối đa vốn, tài sản nhà nước; làm rõ trách nhiệm, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm.
Không dừng lại ở 5 dự án này, Thủ tướng giao các Bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc; thực hiện nghiêm các quy định về bổ nhiệm cán bộ, sử dụng lao động; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực trong nhiều lĩnh vực cụ thể, nổi cộm. “Đại biểu Quốc hội chất vấn tôi về tình trạng xây nhà cao tầng ở trung tâm thành phố, gây quá tải về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ công, an ninh trật tự, an toàn, gây bức xúc xã hội. Đây là một thực tế, dư luận nói lợi ích nhóm từ việc này rất lớn”, Thủ tướng nói và yêu cầu chấn chỉnh quản lý quy hoạch đô thị, thực hiện đúng các quy hoạch, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm.
5 dự án thua lỗ gồm: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung; Dự án Mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An) có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư, đến năm 2009, được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam – Vinapaco; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.