Pháo phát nổ trong quá trình tiêu hủy
Liên quan đến sự việc, ngày 9/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cũng thông tin, vụ nổ xảy ra tại khuôn viên trụ sở Công an huyện Dầu Tiếng, nguyên nhân là do sự cố trong quá trình xử lý pháo nổ bị thu giữ.
Trước đó, thực hiện Bản án của TAND huyện Dầu Tiếng, Quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản của Chi cục THADS huyện Dầu Tiếng, khoảng 9h ngày 6/7, Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản đã tiến hành tiêu hủy 9,3kg pháo nổ các loại.
Trong quá trình thao tác, xử lý vật chứng, các viên pháo đã phát nổ gây thương tích nhẹ cho 4 thành viên của Hội đồng. Tuy nhiên, một số thông tin báo chí cho rằng trong quá trình lấy thuốc pháo, các cán bộ đã dùng gạch, đá đập vào các viên pháo.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo về vụ việc trên, ông Hiển cho hay, Chi cục THADS huyện Dầu Tiếng tiến hành tiêu hủy vật chứng là các túi nilon chứa pháo nổ và địa điểm tiêu hủy là trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng.
Trong quá trình tiêu hủy, một lượng nhỏ pháo đã phát nổ, gây bỏng nhẹ cấp độ một cho một số cán bộ. “Các đồng chí đó đã được đưa đến bệnh viện sơ cứu và xuất viện ngay. Sau khi xảy ra sự việc, Tổng cục THADS và Cục THADS tỉnh Bình Dương đã thăm hỏi các cán bộ trên. Số cán bộ đã ổn định về sức khỏe. Qua báo cáo của Cục THADS Bình Dương và Chi cục THADS huyện Dầu Tiếng thì không có việc các thành viên Hội đồng tiêu hủy dùng gạch, đá để đập vào những quả pháo dẫn đến gây nổ” – ông Hiển nói.
Thông tin cá nhân về hộ tịch được bảo vệ bí mật
Cũng tại buổi họp báo, ông Hiển đã thông tin các kết quả công tác chủ yếu 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2018 và cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời nhiều câu hỏi mà các phóng viên đặt ra.
Chẳng hạn về đề xuất thu phí dịch vụ chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết: Dưới góc độ pháp luật hộ tịch, Luật Hộ tịch quy định tất cả thông tin khai sinh, thông tin kết hôn, thông tin khai tử… - nói chung là thông tin hộ tịch, được coi là thông tin đầu vào của CSDL quốc gia về dân cư. CSDL quốc gia này được thu thập 15 trường thông tin (được mã hóa thành số định danh cá nhân), trong đó có 9 trường là thông tin hộ tịch, bao gồm họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, họ tên bố, họ tên mẹ…
Với tư cách là thông tin đầu vào của CSDL quốc gia về dân cư, thông tin hộ tịch được cập nhật thường xuyên. Việc bảo mật đối với CSDL hộ tịch điện tử nói chung và dữ liệu thông tin hộ tịch cá nhân nói riêng được quy định rõ trong Luật Hộ tịch về nguyên tắc bảo mật.
Theo đó, ông Khanh lưu ý, việc bảo mật thông tin hộ tịch được quy định rõ trong Điều 59 và Điều 61 của Luật Hộ tịch. Cụ thể, Điều 59 quy định về nguyên tắc kết nối, khai thác, sử dụng thông tin hộ tịch và Điều 61 Luật Hộ tịch quy định CSDL hộ tịch được quản lý, bảo mật, bảo đảm an toàn; chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được tiếp cận và khai thác theo quy định của pháp luật.
“Như vậy, nếu pháp luật chưa quy định mà bất kỳ cơ quan, tổ chức nào tự do khai thác thông tin này đều là bất hợp pháp. Ngoài ra, theo Điều 94 Luật Hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm lộ thông tin của người dân mà mình biết được trong quá trình đăng ký hộ tịch” - ông Khanh nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực khẳng định, việc khai thác, sử dụng thông tin về hộ tịch của tổ chức, cá nhân phải tuân theo quy định của pháp luật, không thể khai thác tự do được.