Xét tha tù trước hạn 3 đợt/năm?
Báo cáo Hội đồng về Dự án Luật, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh – Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, việc ban hành Luật THAHS năm 2010 ghi nhận bước phát triển quan trọng trong công tác hoàn thiện pháp luật về THAHS. Qua hơn 07 năm thi hành Luật THAHS, công tác THAHS đã được tổ chức, thực hiện có hiệu quả, bảo đảm sự nghiêm minh và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn hơn 07 năm thi hành Luật THAHS năm 2010 cho thấy do được ban hành từ lâu nên Luật chưa cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người trong THAHS, nhiều quy định của Luật không còn phù hợp với các đạo luật về tư pháp mới được ban hành và tình hình thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung. Một trong những vấn đề mới đó là Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66) nhằm thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước, giảm thiểu tối đa khả năng tái phạm sau khi được tha tù nhưng vẫn bảo đảm được sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời không làm thay đổi mục đích của hình phạt là giáo dục và trừng trị người phạm tội. Theo đó, Dự thảo Luật sẽ bổ sung quy định này cho phù hợp với Bộ luật Hình sự.
Nhiều thành viên Hội đồng chia sẻ do chưa sửa đổi, bổ sung Luật THAHS nên vừa qua, các cơ quan chức năng đã ban hành 3 văn bản liên quan gồm Nghị quyết số 01 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC quy định phối hợp thực hiện quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện; Thông tư số 12 của Bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy, các thành viên Hội đồng đề nghị pháp điển các quy định hợp lý vào Dự thảo Luật.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quốc Việt nhắc lại quan điểm lâu nay là “1 ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài” nên việc dự kiến quy định 3 mốc thời gian xét tha tù trước hạn (sau khi có kết quả đánh giá xếp loại chấp hành án phạt tù quý I, 06 tháng, năm) là chưa đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người đi tù, có thể gây thiệt thòi cho những phạm nhân đủ điều kiện. Ông Việt đề nghị việc rà soát, lập danh sách tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân nên làm thường xuyên hơn, thậm chí nếu được thì xem xét việc này tổ chức họp 1 tháng/1 lần. Ông Nguyễn Hà Thanh (Vụ 2, Ban Nội chính TƯ) gợi ý, hiện nay chúng ta vẫn tính thời hạn theo quý thì nên chăng việc rà soát, lập danh sách làm 4 quý .
Cần làm rõ cơ quan THAHS với pháp nhân thương mại phạm tội
Tờ trình của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cho biết, Bộ luật Hình sự đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Bởi vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật THAHS năm 2010 cho phù hợp. Tuy nhiên, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, do lĩnh vực kinh doanh, hoạt động của pháp nhân thương mại rất rộng, chịu sự quản lý, cấp phép bởi nhiều cơ quan khác nhau. Đồng thời, các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại rất đa dạng, nên về cơ quan THAHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội được Dự thảo Luật quy định theo hướng có sự kết hợp giữa cơ quan chuyên trách về THAHS và các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội.
Theo đó, Dự thảo Luật không quy định tổ chức thêm một cơ quan THAHS chuyên trách mới mà bổ sung nhiệm vụ tổ chức thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội cho cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, cấp quân khu; đồng thời bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội trong thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp cụ thể đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Ông Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội là quy định hoàn toàn mới nên cũng không thể cầu toàn được trong Dự án Luật THAHS. “Cần nghiên cứu những nội dung hợp lý trong thời điểm này thì quy định, về sau có vấn đề gì sẽ sửa đổi, bổ sung” – ông Việt nói. Song ông Việt băn khoăn, khi pháp nhân thương mại bị xử phạt chủ yếu là phạt tiền nhưng chắc phạt được sẽ khó hơn cá nhân nhiều nên cần có quy định nào đó mang tính cưỡng chế. Ông Việt ví dụ, pháp luật có biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng với cá nhân, thì pháp nhân cũng phải có quy định để “chặn” được ngay từ đầu.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Hà Thanh băn khoăn, hoạt động pháp nhân thương mại do cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế quản lý nhưng khi THAHS lại là hoạt động tư pháp thì nếu có giao cho cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế liệu có hợp lý không; trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế bảo đảm THA thì cơ quan này có làm được không? Tuy đề nghị cân nhắc kỹ nhưng ông Thanh cho rằng nên giao cho Bộ Công an chủ trì THAHS với pháp nhân thương mại. Còn Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Văn Tùng chỉ ra Dự thảo chưa làm rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp khi THAHS với pháp nhân thương mại.