Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 ghi nhận bước phát triển quan trọng trong công tác hoàn thiện pháp luật về thi hành án hình sự, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người chấp hành án, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.
Qua hơn 07 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự, công tác thi hành án hình sự đã được tổ chức, thực hiện có hiệu quả, bảo đảm sự nghiêm minh và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Bộ Công an cho biết, qua khảo sát có 74,5% người chấp hành xong hình phạt tù, 96,98% người được đặc xá, 98,9% người chấp hành xong hình phạt tại xã, phường, thị trấn đã phấn đấu trở thành người lương thiện.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công an, tổng kết thực tiễn hơn 07 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010 cho thấy do được ban hành từ lâu nên Luật chưa cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người trong thi hành án hình sự, nhiều quy định của Luật không còn phù hợp với các đạo luật về tư pháp mới được ban hành và tình hình thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung.
Đơn cử, Bộ luật Hình sự đã bổ sung quy định mới là tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66) nhằm thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước, giảm thiểu tối đa khả năng tái phạm sau khi được tha tù nhưng vẫn bảo đảm được sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời không làm thay đổi mục đích của hình phạt là giáo dục và trừng trị người phạm tội.
Theo quy định của Bộ luật, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây: phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí; đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện sau khi ra tù phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách, thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù.
Ngày 09/2/2018, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC quy định phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện; theo đó, hàng năm sẽ rà soát, lập danh sách tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân vào 03 đợt (sau khi có kết quả đánh giá xếp loại chấp hành án phạt tù quý I, 06 tháng, năm). Do vậy, về thời điểm xét tha tù trước thời hạn, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thi hành án hình sự quy định việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện mỗi năm 03 đợt, vào thời điểm kết thúc quý I, 6 tháng đầu năm, cuối năm.
Ngoài ra, Dự thảo Luật bổ sung quy định về xử lý người thi hành án treo vi phạm nghĩa vụ; giải quyết trường hợp người thi hành án treo bỏ trốn; tiêu chuẩn, trách nhiệm của người được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo; nghĩa vụ của người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo trong thời gian thử thách; rút ngắn thời gian thử thách đối với người hưởng án treo… để phù hợp với quy định mới của Bộ luật Hình sự; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, nghĩa vụ của người chấp hành án cải tạo không giam giữ; bổ sung quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của người được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ… Cũng để phù hợp với quy định mới của Bộ luật Hình sự, dự thảo Luật bỏ quy định việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên.